23/9/2014 – Ths Lê Hồng Hạnh – Giảng viên Khoa Luật ĐH Vinh
Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu
Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã chỉ rõ: “Đất đai phải được phân bổ hợp
lý, sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả cao…”,“Thu hẹp các đối
tượng được giao đất và mở rộng đối tượng được thuê đất”. Nghị quyết cũng nhấn
mạnh: “Quy định cụ thể điều kiện để nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất thực
hiện dự án phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời có chế tài đồng bộ, cụ thể để
xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất,
nhưng sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử
dụng…”. Trên tinh thần của Nghị quyết, Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 đã được
Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông
qua ngày 29/11/2013 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2014). Đây là cơ sở pháp lý quan
trọng nhất để thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết.
Đất đai là không gian tổ chức các hoạt động sống của con người, cùng với quan
điểm “an cư lạc nghiệp” đã là truyền thống văn hóa của dân tộc nên quyền sử
dụng đất là một quyền mà đại bộ phận người dân rất quan tâm. Giao đất, cho thuê
đất là quyền của công dân Việt Nam
được thừa nhận tại khoản 2 Điều 54 Hiến pháp năm 2013: “Tổ chức, cá nhân được
Nhà nước giao đất, cho thuê đất…” Nhưng để thực hiện được việc phân giao quyền
này một cách công bằng, hiệu quả và tránh lãng phí quỹ đất là việc không đơn
giản. Luật Đất đai năm 2013 đã tách nội dung “Giao đất, cho thuê đất, chuyển
mục đích sử dụng đất” thành một chương riêng có 9 Điều (từ Điều 52 đến Điều
60). Về cơ bản, các quy định từ Điều 52 đến Điều 60 Luật Đất đai năm 2013 kế
thừa những nội dung của các quy định từ Điều 31 đến Điều 37 Luật Đất đai năm
2003 có sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với tinh thần đổi mới của
Đảng và Nhà nước và phù hợp với xu thế hội nhập.
Bài viết này nhằm phân tích những điểm mới của Luật Đất đai năm 2013 về giao
đất, cho thuê đất so với Luật Đất đai năm 2003. Đó là những quy định về đối
tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; về căn cứ giao đất, cho thuê đất;
về điều kiện giao đất, cho thuê đất.
1. Đối tượng được Nhà nước giao đất có thu
tiền sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất và chuyển sang thuê đất
So với quy định
của Luật Đất đai năm 2003, pháp luật hiện hành tăng cường hơn việc vận hành các
quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường, tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý,
sử dụng đất đai thông qua các quy định thu hẹp các trường hợp được Nhà nước giao
đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, chuyển cơ bản
sang áp dụng hình thức thuê đất; thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất khi
giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất.
Ngoài ra, các quy
định này còn nhằm thiết lập sự bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai, thực hiện
quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu
tư nước ngoài cho phù hợp với yêu cầu hội nhập và thu hút đầu tư, đảm bảo sử
dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, cụ thể:
1.1. Về giao đất
không thu tiền sử dụng đất
Khái niệm đất xây
dựng trụ sở cơ quan và đất xây dựng các công trình sự nghiệp trong Luật Đất đai
năm 2003 (Điều 88) và trong Luật Đất đai năm 2013 (Điều 147) cơ bản không thay
đổi nhưng Luật Đất đai năm 2013 khi quy định về đối tượng được giao đất không
thu tiền sử dụng đất đã chia đất xây dựng trụ sở cơ quan và đất xây dựng các
công trình sự nghiệp ra thành hai nhóm có địa vị pháp lý khác biệt nhau chứ
không gộp chung vào một nhóm như Luật Đất đai năm 2003.
Cụ thể, các tổ chức
sự nghiệp công lập[1] tự chủ về mặt tài chính không được thực hiện giao đất không thu
tiền sử dụng đất như Luật Đất đai năm 2003 mà phải chuyển sang thuê đất. Đối
chiếu với quy định này thì các đơn vị sự nghiệp sẽ phải chuyển sang thuê đất,
các trường học, bệnh viện tự chủ về mặt tài chính… đều phải chuyển sang thuê
đất. Quy định này làm rõ hơn quan điểm của Nhà nước về việc xóa bỏ bao cấp trong
quản lý, sử dụng đất tiến tới công bằng trong việc sử dụng tài nguyên quốc gia.
Tuy nhiên, để làm rõ khái niệm “tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ về mặt tài
chính” là điều không đơn giản.
Kèm theo đó, pháp
luật hiện hành bỏ ba nhóm đối tượng được giao đất không thu tiền sử dụng đất so
với Luật Đất đai năm 2003, gồm:
– Tổ chức sử dụng
đất vào mục đích nghiên cứu, thí nghiệm, thực nghiệm về nông nghiệp, lâm
nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối; Hợp tác xã nông nghiệp sử dụng đất làm
mặt bằng xây dựng trụ sở hợp tác xã, sân phơi, nhà kho; xây dựng các cơ sở dịch
vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm
muối.
Hai chủ thể này
được gộp vào nhóm công trình sự nghiệp, nếu là tổ chức sự nghiệp công lập chưa
tự chủ về mặt tài chính thì được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất,
các trường hợp còn lại thì phải thuê đất của Nhà nước
– Đơn vị vũ trang
nhân dân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng
thuỷ sản, làm muối hoặc sản xuất kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Chủ thể này được
dịch chuyển sang nhóm đối tượng được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất
hàng năm.
1.2. Về giao đất
có thu tiền sử dụng đất
Luật Đất đai năm
2003 bổ sung quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng thuộc đối
tượng được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư
xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê (Khoản 3 Điều 55 Luật Đất
đai năm 2013); quy định này thể hiện cách nhìn mới mẻ của pháp luật đối với chủ
thể có vốn đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài tham gia vào nền kinh tế Việt Nam, thu hút đầu tư và tạo cơ hội cho
các doanh nghiệp kêu gọi vốn đầu tưở nước ngoài. Pháp luật Việt Nam đã dùng 2
công cụ khác để rà soát đối tượng sử dụng đất: Công cụ thứ nhất là quy định của
Luật Đất đai về điều kiện giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư,
công cụ thứ hai là Luật Nhà ở đang dự thảo. Công cụ thứ nhất nhằm bảo đảm cho
việc triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất khả thi, đạt hiệu quả cao. Công cụ
thứ hai để điều chỉnh đối tượng trực tiếp sử dụng tài sản trên đất gắn liền với
đất, vì thực chất đây mới là đối tượng sử dụng đất, nhà đầu tư chỉ sử dụng đất
trong giai đoạn triển khai dự án mà thôi chứ không phải người sử dụng đất thực
sự.
Luật Đất đai năm
2013 bổ sung quy định tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất thực hiện dự án
đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn
với hạ tầng thì thuộc trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất (Khoản 4 Điều
55 Luật Đất đai năm 2013).
Related articles 01:
1. https://docluat.vn/archive/1275/
2. https://docluat.vn/archive/3062/
3. https://docluat.vn/archive/2807/
Quy định này của
Luật Đất đai năm 2013 đã thể hiện tính thời sự cao. Nếu như trong Luật Đất đai
năm 2003, đất làm nghĩa trang nghĩa địa là đối tượng thuộc nhóm được giao đất
không thu tiền sử dụng đất – quy định này đã gây khó khăn khi giải quyết thực
tiễn là có những dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng
xuất hiện trong thời gian gầ nđây thì phải xử lý nghĩa vụ tài chính về đất đai
với Nhà nước như thế nào? Nói khác đi, đầu tư hạ tầng để kinh doanh thì không
lẽ được ưu ái không thu tiền sử dụng đất. Nhà nước đều phải công bằng với các
tổ chức kinh tế khi sử dụng đất vào mục đích kinh doanh kể cả đầu tư xây dựng
công trình công cộng có mục đích kinh doanh. Do đó, Luật Đất đai năm 2013 chia
đất làm nghĩa trang, nghĩa địa thành 2 nhóm có địa vị pháp lý đất đai khác nhau
là: Nghĩa trang, nghĩa địa thông thường và dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang,
nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng là nhằm giải quyết
vướng mắc trên.
Đối với các dự án
sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong
nước trước đây được lựa chọn giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất thì
nay không còn được lựa chọn giao đất có thu tiền sử dụng đất nữa mà chỉ áp dụng
hình thức thuê đất.
1.3. Về thuê đất
Luật Đất đai năm
2013 bổ sung quy định tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong nước cũng
được quyền lựa chọn thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả tiền thuê đất
một lần cho cả thời gian thuê (Khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai năm 2013). Trước
đây, Luật Đất đai năm 2003 quy định tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong
nước chỉ được thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm không được lựa chọn hình thức
thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. Quy định này đã gây khó khăn
cho một số doanh nghiệp trong nước có năng lực tài chính tốt. Cụ thể: Giá thuê
đất chỉ ổn định trong năm năm, mặc dù biến động về giá không vượt quá 20% nhưng
nó vẫn đem lại những thiệt thòi nhất định khi mà doanh nghiệp có đủ năng lực
tài chính để thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì lại không được
lựa chọn. Sự thay đổi trên đã mở ra cho doanh nghiệp trong nước nhiều sự lựa
chọn, phù hợp với sự đa dạng của các mô hình doanh nghiệp.
Như trên đã nêu,
Luật Đất đai năm 2013 bổ sung quy định tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công
lập tự chủ tài chính, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài đều thuộc đối tượng được Nhà nước cho thuê đất để xây dựng
công trình sự nghiệp (Điểm e Khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai năm 2013).
2. Về căn cứ giao đất, cho thuê đất, chuyển
mục đích sử dụng đất
Điều 52 Luật Đất
đai năm 2013 quy định cụ thể việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục
đích sử dụng đất phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện[2], thay cho các
căn cứ chung gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch xây dựng đô
thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn như quy định của Luật Đất đai năm
2003. Lần đầu tiên vai trò của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thể hiện rõ
nét trong Luật. Nếu trước đây, để giao đất, cho thuê đất khi không có quy hoạch
sử dụng đất có thể căn cứ quy hoạch của xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn
hoặc quy hoạch khác, thì nay phải kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện đã
được UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Việc nhấn mạnh vai
trò của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cần thiết và là bước tiến của Luật
Đất đai năm 2013, vì quy hoạch sử dụng đất đai là biện pháp hữu hiệu của Nhà
nước nhằm tổ chức lại việc sử dụng đất đai, hạn chế sự chồng chéo gây lãng phí
đất đai, tránh tình trạng chuyển mục đích tuỳ tiện, làm giảm sút nghiêm trọng
quỹ đất nông lâm nghiệp, ngăn ngừa được các hiện tượng tiêu cực, tranh chấp,
lấn chiếm huỷ hoại đất, phá vỡ môi trường sinh thái, gây ô nhiễm môi trường dẫn
đến những tổn thất hoặc kìm hãm sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội và rất
nhiều các hiện tượng nguy hại khác. Hơn nữa quy hoạch sử dụng đất đai còn tạo
điều kiện để sử dụng đất đai hợp lý hơn. Trên cơ sở phân hạng đất đai, bố trí
sắp xếp các loại đất đai quy hoạch sử dụng đất đai tạo ra cái khung pháp lý yêu
cầu các đối tượng quản lý và sử dụng đất đai tuân thủ pháp luật. Điều đó cho
phép việc sử dụng đất đai sẽ hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Bởi vì, khi các
đối tượng sử dụng đất đai hiểu rõ được phạm vi ranh giới và chủ quyền về các
loại đất thì họ yên tâm đầu tư khai thác phần đất đai của mình, do vậy hiệu quả
sử dụng sẽ cao hơn. Dẫn đến, trong “Nội dung kế hoạch sử dụng đất hàng năm của
cấp huyện” (Khoản 4 Điều 40) Luật Đất đai năm 2013 quy định phải “Xác định vị
trí, diện tích đất phải thu hồi để thực hiện công trình, dự án sử dụng đất vào
mục đích quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này trong năm kế hoạch đến
từng đơn vị hành chính cấp xã. Đối với dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh
trang đô thị, khu dân cư nông thôn thì phải đồng thời xác định vị trí, diện
tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự
án nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh” (Điểm c Khoản 4 Điều 40)
và “Lập bản đồ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện” (Điểm đ Khoản 4
Điều 40) nhằm đảm bảo đủ căn cứ để giao đất, cho thuê đất.
3. Về điều kiện giao đất, cho thuê đất
Đây là điểm mới
trong Luật Đất đai năm 2013 so với Luật Đất đai năm 2003. Luật Đất đai năm 2003
chỉ nêu lên căn cứ giao đất, cho thuê đất chứ không đặt ra điều kiện cho chủ
thể xin giao đất, xin thuê đất.
3.1. Các loại điều
kiện cụ thể. Trên thực tế, khi không đặt điều kiện cho chủ dự án đầu tư khi chủ
dự án đầu tư xin giao đất, xin thuê đất thì rất nhiều dự án lâm vào tình trạng
sau khi được giao đất, cho thuê đất thì không sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử
dụng, gây lãng phí đất đai. Và để khắc phục tình trạng trên, Luật Đất đai năm
2013 đã bổ sung các quy định để kiểm soát chặt chẽ việc giao đất, cho thuê
đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với hai loại điều kiện.
(i) Điều kiện thứ
nhất áp dụng đối với cơ quan có thẩm quyền trong việc quyết định giao đất, cho
thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhằm đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ
nghiêm ngặt đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đảm bảo an
ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi
khí hậu, đó là việc trình danh mục công trình đất lúa. Cụ thể: Đối với dự án có
sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích
khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ
chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết
định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một
trong các văn bản sau đây:
– Văn bản chấp
thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10
héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng
trở lên;
– Nghị quyết của
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10
héc ta đất trồng lúa; dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.
So với Luật Đất
đai và các quy định hiện hành thì quy định mới về điều kiện chuyển mục đích sử
dụng với đất trồng lúa có mở hơn. Hiện tại tất cả các dự án có sử dụng đất
trồng lúa không kể quy mô đều phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, theo
Luật Đất đai năm 2013 thì chỉ các công trình dự án chuyển mục đích từ 10 héc ta
đất trồng lúa trở lên mới phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, còn các
công trình sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa thì chỉ cần được Hội đồng nhân
dân cấp tỉnh thông qua.
(ii) Điều kiện thứ
hai áp dụng đối với chủ đầu tư xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng
đất nhằm khắc phục tình trạng nhiều địa phương đã giao đất, cho thuê đất nhưng
các chủ đầu tư không sử dụng đất, chậm đưa đất vào sử dụng, dẫn đến lãng phí
đất đai, gây bức xúc trong nhân dân. Chủ dự án đầu tư muốn được Nhà nước giao
đất, cho thuê đất phải thỏa mãn các điều kiện sau:
– Doanh nghiệp có
năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư,
cụ thể: (1) Doanh nghiệp phải có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án
không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20
héc ta; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất
từ 20 héc ta trở lên; (2) Doanh nghiệp có khả năng huy động vốn để thực hiện dự
án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá
nhân khác.
– Ký quỹ theo quy
định của pháp luật về đầu tư;
Related articles 02:
1. https://docluat.vn/archive/2258/
2. https://docluat.vn/archive/2294/
3. https://docluat.vn/archive/1784/
– Doanh nghiệp
không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng
đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác. Việc xác
định người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng
đất để thực hiện dự án đầu tư không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai
đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực
hiện dự án đầu tư khác xác định theo các căn cứ sau đây: (1) Kết quả xử lý vi
phạm pháp luật về đất đai đối với các dự án tại địa phương được lưu trữ tại Sở
Tài nguyên và Môi trường; (2) Nội dung công bố về tình trạng vi phạm pháp luật
đất đai và kết quả xử lý vi phạm pháp luật đất đai trên Trang Thông tin điện tử
của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai đối với các dự án
thuộc địa phương khác.
Nhưng không phải
bất kỳ dựán nào khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục
đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư đều phải thỏa mãn cả 3 điều kiện: Có
năng lực tài chính, có ký quỹ, không vi phạm pháp luật. Theo quy định tại Điều
14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Đất đai năm 2013 thì chỉ 3 nhóm dựán sau phải áp dụng điều kiện này, đó là:
– Dự án đầu tư xây
dựng nhà ở để bán hoặc để cho thuê hoặc để bán kết hợp cho thuê theo quy định
của pháp luật về nhà ở;
– Dự án đầu tư
kinh doanh bất động sản gắn với quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật
về kinh doanh bất động sản;
– Dự án sản xuất,
kinh doanh không sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước.
3.2. Luật đất đai
2013 bổ sung quy định đối với trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất để
sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên
thì phải có thêm văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, khi đó Ủy ban
nhân dân cấp huyện mới được ra quyết định theo thẩm quyền.
Trước đây, theo
Luật Đất đai năm 2003, chủ thể có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất sẽ ra quyết
định giao và cho thuê theo đối tượng sử dụng đất đúng với thẩm quyền của mình
chứ không quy định về hạn mức đất các cấp có thẩm quyền được giao, cho thuê.
Những quy định về giới hạn thẩm quyền giao đất, cho thuê đất thường do Ủy ban
nhân dân tỉnh ra quyết định. Nay, Luật Đất đai năm 2013 đưa quy định về giới
hạn thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của UBND cấp huyện vào Luật để đảm bảo sự
đồng bộ trong cả nước về thẩm quyền giao và cho thuê đất của UBND cấp huyện,
phù hợp với năng lực quản lý của từng cấp. Nhưng đây cũng sẽ là gánh nặng cho
cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh.
3.3. Luật Đất đai
2013 bổ sung quy định về điều kiện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực
hiện dự án đầu tư tại xã thuộc khu vực biên giới, ven biển và hải đảo, đó là
phải được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan nhằm đảm
bảo an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Từ những phân tích
trên có thể đưa ra một số kết luận sau:
– Các quy định về
giao đất, cho thuê đất trong Luật Đất đai năm 2013 là sự kế thừa có chọn lọc
các quy định của Luật Đất đai năm 2003 về vấn đề này;
– Các quy định về
giao đất, cho thuê đất được sửa đổi, bổ sung theo hướng hạn chế đối tượng được
giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, mở rộng
đối tượng thuê đất. Tạo lập sự bình đẳng trong điều kiện tiếp cận đất của doanh
nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tăng cường hiệu quả
sử dụng đất bằng cách thiết lập điều kiện được giao đất, cho thuê đất phù hợp…
– Các quy định của
Luật Đất đai năm 2013 về giao đất, cho thuê đất được sửa đổi, bổ sung phù hợp
với các quy định khác có liên quan của Luật Đất đai năm
2013, của Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW
ngày 31/10/2012 của Bộ Chính trị “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất
đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm
2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Ghi chú:
[1] Theo Luật Đất đai năm 2003, đất
xây dựng công trình sự nghiệp được gộp chung với đất trụ sở cơ quan thì nay đất
công trình sự nghiệp được tách thành loại riêng, trong đó đất để xây dựng cơ sở
văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao theo Luật Đất đai
năm 2003 được gọi là đất công trình công cộng thì nay các loại đất này được gộp
với đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp thành đất xây dựng công trình sự
nghiệp.
[2] Đối với cấp huyện trước đây kế
hoạch sử dụng đất chỉ lập 5 năm 1 lần thì kể từ ngày 01/7/2014 theo quy định
của Luật Đất đai năm 2013 sẽ được lập hàng năm.
TƯ VẤN & DỊCH VỤ |