Ở Việt Nam hiện nay cùng với việc có những đạo luật làm ra hầu như
“nằm phủ bụi” trên giá, nhưng nhiều đạo luật xã hội rất cần thì lại
chưa có. Chẳng hạn Nghị định về việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, sau một đợt
quảng bá rầm rộ trên báo chí, truyền hình, nay đã chìm vào quên lãng, còn luật
về cạnh tranh, độc quyền vẫn vắng bóng, luật phá sản vẫn chưa được sửa đổi…
Có một thực trạng cần sớm được khắc phục, đó là một bộ phận lớn dân cư hoặc
chưa biết đến luật, hoặc ác cảm, thờ ơ với luật, với toà án.
Tại sao lại có tình trạng như vậy?
Cả những doanh nghiệp nếu thường xuyên tòa án để giải quyết tranh chấp
hợp đồng, họ vẫn có thể tỏ sự lạnh nhạt với pháp luật, coi việc kêu đến tòa án
hạ sách, vì trong quan niệm của nhiều người, tòa án chỉ là chỗ cho những người
giàu có và quan hệ rộng.
Nếu muốn người dân cần đến pháp luật, tức là có nhu cầu đối với pháp
luật thì trong tâm thức người dân, pháp luật phải là cách giải quyết được ưu
tiên, phải đáp ứng những yêu cầu nhất định, tiếp đến phải làm sao để người dân
biết đến pháp luật đó, ở đâu lúc nào, luật nào dùng cho mục đích gì và sẽ được
sử dụng như thế nào trên thực tế tại Tòa án ở nước ta. Có thể nói có bốn khía cạnh
này đều có những chuyện đáng quan tâm bàn luận.
Trong nhận thức truyền thống của xã hội Việt Nam, pháp luật không phải
là một cách giải quyết tranh chấp được ưa chuộng, người dân thích sự xử với
nhau hơn là đưa nhau ra tòa, câu “nhất đảo tụng đình” thể hiện thái
độ của người dân đối với toà án, người ta coi chuyện ra toà là một cái gì đó
ghê gớm, tổn hại thanh danh. Như vậy từ khâu đầu tiên các sản phẩm pháp luật đã
không được ưa chuộng ngay trong nhận thức của xã hội và khó có thế nói về nhu
cầu đối với pháp luật một khi trong xã hội người tiêu dùng của pháp luật vẫn
phổ biến nhận thức như vậy.
Related articles 01:
1. https://docluat.vn/archive/2937/
2. https://docluat.vn/archive/2804/
3. https://docluat.vn/archive/2143/
Học giả, luật gia Petrapski vào đầu thế kỷ XX có nhận xét, nhiều khi
con người tuân theo một đạo luật nào đó, thực hiện những quy định pháp luật
trong đời sống hàng ngày không phải vì trong luật viết như thế mà trước hết vì
tiềm thức mách bảo anh ta điều đó ông gọi đó là pháp luật trực cảm, được thể
hiện qua tâm lý pháp lý trực cảm. Sự xung đột giữa pháp luật thực định và pháp
luật trực cảm diễn ra khi vì nguyên nhân nào đó pháp luật thực định không phù
hợp với pháp luật trực cảm.
Lý thuyết này gây nhiều tranh cãi trong giới luật học, nhưng dẫu sao nó
cũng cho phép giải thích những hiện tượng phi pháp lý, thậm chí phản pháp lý
nhưng trên thực tế lại tạo nên cơ sở cho những quan hệ pháp lý thực tế. Chẳng
hạn như hiện phép vua thua lệ làng trong truyền thông làng xã ở Việt Nam. Ngày nay,
có thể coi những biểu hiện của tham nhũng hối lộ là những tập quán bán pháp lý
như vật chứng tạo ra cơ chế hòan chỉnh tự điều chỉnh các mối quan hệ xin – cho,
phong bao giữa bộ máy quan liêu tham nhũng và doanh nghiệp mà không cần đến sự
điều chỉnh của pháp luật và cơ chế đó tỏ ra hiệu quả theo cách của mình. Hệ
thống này (không xa đến mặt tốt hay xấu của nó) gồm những quy phạm ứng xử tồn
tại song với pháp luật.
Cần nhấn mạnh rằng thái độ tiêu cực đối với pháp luật và toà án phổ
biến không chỉ trong đông đảo dân cư, mà có trong bộ phận lớn của giới trí thức. Đông đảo dân cư không quan tâm đến tổ chức và hoạt động của toà án. Báo
giới nói chung ít đả động đến hoạt động của toà án với mục đích phát triển pháp
luật (cũng một phần vì tính chất khép kín của toà án) ít khi viết về những phán
quyết quan trọng nhất của toà án xử từ góc độ pháp lý, và nếu có nhắc đến toà
án thì nhiều lúc cũng vì tính chất giật gân.
Thực tiễn đối với nhu cầu pháp luật như vậy khiến cho hiệu quả xã hội
của việc áp dụng pháp luật bằng không hoặc trái ngược với ý đồ của nhà lập pháp
hoặc dẫn đến những hậu quả khiến xã hội nghi ngại pháp luật. Điều đó có nghĩa
là xã hội đã ngầm chọn cho mình những luật nào chấp nhận được và luật nào
không. Dạng thứ nhất (những luật thích hợp) có the được sử dụng để đạt những
mục đích thực dụng thuần tuý, dạng thứ hai – đơn giản là bị gạt sang một bên.
Như vậy, những luật tỏ ra vô dụng đối với xã hội thực chất có được huỷ bỏ vì
“xếp xó”, thậm chí về tình thức và chính thức vẫn có hiệu lực.
Nhưng ở đây, thử đặt giả thuyết tiếp: người dân tìm đến với pháp luật
trong xã hội có nhận thức đúng, nhu cầu thực sự đối với pháp lý thì chưa hẳn
lúc nào xã hội cũng nhận được đúng pháp luật với đòi hởi mà mình cần. Dường như
trong quá trìnhh xây dựng pháp luật ở Việt Nam, mối bận tâm hầu như chỉ dồn vào
việc làm thế nào đảm bảo hệ thống pháp luật đủ cho xã hội (kiểu như cần bao
nhiêu luật thì vừa) mà quên mất nhu cầu pháp luật – một bình diện không kém
phần quan trọng, có nghĩa là không hỏi xem người dân, xã hội có cần đến luật đó
hay không, cần đến mức nào, làm gì và làm thế nào người dân cần đến luật. Ở đây
cần ở chính quyền một nhận thức rằng, các cuộc cải cách trong đó có cải cách
pháp luật xuất phát từ những nhu cầu thực tế của công dân, tránh quan niệm là
chỉ có chính quyền mới biết làm gì có lợi cho xã hội tránh xu hướng cải cách
“dội từ trên xuống”. (Tuy nhiên, xu hướng này ở nước nào cũng có, thực
chất nhà lập pháp xử sự như vậy theo cách hiểu của ông ta về lợi ích
của xã hội và khi thiếu những thông tin xác thực về nhu cầu của người dân, kết
quả công việc sẽ không đáp ứng được mong muốn mục đích đặt ra).
Sự tìm kiếm độ cân bằng cần có giữa lập pháp thực tiễn chính trị và nhu
cầu xã hội là nhiệm vụ không hề đơn giản trong bất kỳ xã hội nào, nhất là ở
những nước như Việt Nam.
Thường xảy ra trường hợp khi việc đáp ứng các nhu cầu xã hội nhường chỗ cho
việc giải quyết những vấn đề khác. Kết quả là pháp luật tách rời khỏi xã hội.
Nếu người dân thấy không cần đến đạo luật nào đó, hoặc tìm thấy những giải pháp
khác, thì luật hoàn toàn nằm chết, nó không gây hại, nhưng cũng không đáp ứng
được đòi hỏi được đặt ra cho nó.
Nhưng giả sử nếu xã hội thực sự cần đến luật, các nhà sản xuất cho ra
những sản phẩm pháp luật đúng những nhu cầu thì nhiều lúc người dân không biết
tìm đến luật ở đâu, dùng luật nào vào mục đích gì, thậm chí xã hội không được
biết đến có những luật nào tồn tại trên đời. Bởi vì khâu tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật (hay nói theo ngôn ngữ kinh tế học – khâu
tiếp thị, quảng cáo) hoặc chưa được chú trọng hoặc được tiến hành một cách máy
móc, cứng nhắc thô sơ, ấu trĩ và thậm chí gây thêm ác cảm trong xã hội đối với
pháp luật. Thật nực cười khi nghe những chuyện như sinh viên một trường Luật bị
trừ điểm tổng kết vì không ký vào bản cam kết chống ma tuý (do sinh viên bị ốm
đúng hôm cả lớp ký bản cam kết đó), hay như các cô cậu bé học sinh lớp hai đã
phải viết bài luận về chống ma tuý học sinh trung học cơ sở phải học về tham
nhũng luật hãi quan luật thuế. Như vậy, đừng nói đến nhu cầu sử dụng pháp luật
mà nhu cầu hiểu biết về pháp luật đã có nguy cơ bị triệt tiêu ngay từ buổi ban
đầu trong các thành viên trẻ nhất của xã hội và dần dần trong họ hình hành một
nhận thức sai lệch về pháp luật một thái độ ít nhất là dửng dưng với pháp luật.
Related articles 02:
1. https://docluat.vn/archive/1781/
2. https://docluat.vn/archive/3537/
3. https://docluat.vn/archive/3192/
Thế vẫn chưa hết. Khi xã hội tự thấy cần đến luật, nhà lập pháp ban hành
những đạo luật đúng với nhu cầu đó, pháp luật được phổ biến, tuyên truyền giáo
dục một cách đúng đắn, hấp dẫn, nhưng nếu toà án – nơi người dân dùng pháp luật
để giải quyết tranh chấp bảo vệ quyền lợi của mình – lại áp dụng pháp luật
không đúng với yêu cầu, thì nhu cầu đối với pháp luật cũng có nguy cơ bị triệt
tiêu. Bởi lẽ nếu toà án áp dụng pháp luật không được công minh, thiên lệch và
xử kiện kéo dài, chờ được được vạ thì má đã sưng, việc thi hành án, nhất là án
dân sự không được thực hiện tốt thì dù cho thế nào chăng nữa, xã hội vẫn có thể
quay lại với tâm lý chán pháp luật không tin tưởng vào chốn pháp đình. Thẩm
phán ở Việt Nam không
phải lúc nào cũng thể hiện danh hiệu cao quý chứng tỏ sự vô tư công bằng, chỉ
phục vụ pháp luật. Nhiều thẩm phán vẫn có thái độ hách dịch, coi thường đương
sự và luật sư, sự nhũng nhiễu của nhiều viên thư ký tòa đã làm giảm uy tín của
toà án đi rất nhiều trong mắt người dân. Việc xét xử của toà án nhiều lúc,
nhiều nơi không tạo nên lòng tin và sự tôn trọng trong người dân.
Khi viện đến toà án để giải quyết tranh chấp, có thể là người dân thực
sự cần đến luật có nghĩa là trong một người có nhu cầu tự thân bức thiết. Nhưng
trong nhiều trường hợp không hẳn như vậy bởi lẽ sau khi giải quyết ở tòa xong,
thái độ của người dân đối với pháp luật chưa hẳn đã trở nên tích cực hơn. Một
doanh nghiệp sử dụng toà án để giải quyết tranh chấp, nhưng họ vẫn cảm thấy sự
cách biệt nào đó với pháp luật.
Hay nói cách khác, sự thờ ơ với pháp luật có thể song song tồn tại với
thái độ sẵn sàng khiếu kiện ở toà. Thậm chí có những doanh nghiệp nếu thường
xuyên dùng toà án để giải quyết tranh chấp hợp đồng, họ vẫn có thể tỏ sự lạnh
nhạt với pháp luật coi việc kêu đến toà là hạ sách vì trong quan niệm của nhiều
người, toà án chỉ là chỗ cho những người giàu có và quan hệ rộng. Ngay cả khi
thắng kiện thì có lúc cái nhìn của họ về pháp luật vẫn không đổi cả người
thắng, kẻ thua đều không hài lòng.
Những hiện tượng như vậy ở chốn pháp đình, cộng với những nguyên nhân
khác như đã nói khiến cho nhu cầu thực sự đối với pháp luật không được cao
trong xã hội.