1. Khái niệm nghề luật sư:
1.1- Quan niệm hoạt
động luật sư như một nghề nghiệp trong xã hội không phải đã được thừa nhận
trong hệ thống pháp luật thực định ở nước ta trong suốt một thời gian dài cho
đến trước thời điểm ban hành Pháp lệnh luật sư năm 2001. Thực tế này có căn
nguyên về mặt lịch sử và từ quan niệm chung của xã hội, nhất là khi nước ta
trải qua một quá trình lịch sử dài lâu đấu tranh giành độc lập dân tộc. Về mặt
khoa học, khái niệm nghề luật nói chung và nghề luật sư nói riêng chưa xuất
hiện phổ biến trong các tác phẩm khoa học pháp lý, trong các văn bản pháp quy
và đời sống xã hội. Thực tế, khi đánh giá cả một quá trình lịch sử, thời gian
gần đây có ý kiến nhận định ở Việt Nam, nghề luật cũng được coi trọng, nhất là
từ sau năm 1945 và hệ thống văn bản về nghề và hành nghề luật đã tương đối hoàn
chỉnh1. Ý kiến này tuy có cơ sở lịch sử của nó, nhưng chưa phản ánh được bản
chất và nội hàm hoàn chỉnh của khái niệm nghề luật sư. Chỉ vào cuối năm 2001,
khi ban hành Pháp lệnh luật sư mới, Trường Đào tạo các chức danh tư pháp thuộc
Bộ Tư pháp mới mở khóa đầu tiên chính thức đào tạo luật sư. Khi bàn tới khái
niệm nghề luật sư, về phương diện lý luận, cần đặt nó trong bối cảnh so với các
nghề nghiệp khác của xã hội, các giá trị, chuẩn mực nghề nghiệp và vị trí, vai
trò của nó trong sự phát triển của xã hội.
Có ý kiến quan niệm
việc hành xử chức năng luật sư như là một thiên chức (mission) hơn là một nghề
nghiệp (profession) để mưu sống. Trên một bình diện khác, có tác giả cho rằng
chưa có sự chính xác về mặt ngôn ngữ khi sử dụng cụm từ “nghề luật sư” hay
“nghề nghiệp luật sư” và “hành nghề luật sư”, vì “luật sư” là một danh từ chỉ
người, chứ không phải dùng để chỉ một nghề (trong tiếng Anh người ta dùng
“lawyer” để chỉ luật sư và “practice law” để chỉ hành nghề luật). Tuy nhiên, theo
tác giả, việc sử dụng cụm từ nói trên là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và phù hợp
với Pháp lệnh luật sư năm 20012. Hoạt động luật sư trong cơ chế thị trường được
coi là một loại hình dịch vụ nghề nghiệp, được điều chỉnh bằng các đạo luật về
hành nghề luật sư và các luật lệ về kinh doanh. Tuy nhiên, giữa các nước theo
hệ thống tập quán pháp và các nước theo hệ thống luật thành văn có những điểm
khác nhau trong quan niệm về nghề luật sư. Các nước theo tập quán pháp coi nghề
luật sư là một nghề kinh doanh, nhưng thuộc loại hình kinh doanh đặc biệt; còn
các nước theo hệ thống luật thành văn nhìn chung coi hoạt động luật sư là một
trong những nghề tự do (luật sư, công chứng, kiểm toán, bác sỹ, kiến trúc
sư…)3. Ngày nay, theo một quan điểm được đa số các nhà nghiên cứu pháp luật ủng
hộ, “có đầy đủ lý do để khẳng định rằng luật sư là một nghề cao quý trong xã
hội và càng được tôn vinh trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, phấn đấu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ
văn minh”4.
Tuy nhiên, xác định
hoạt động luật sư như là một nghề cao quý không thể thiếu trong xã hội và cơ
chế pháp lý điều chỉnh hoạt động nghề nghiệp này như thế nào vẫn đang là những
vấn đề lý luận và thực tiễn pháp lý cần nghiên cứu thấu đáo nhằm đưa ra các
giải pháp cho sự hoàn thiện và phát triển của nghề luật sư. Trước hết, hiện nay
trong một số văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước, hoạt động luật sư
được coi là hoạt động “bổ trợ tư pháp” . Quan niệm này xuất phát từ thực tiễn
là hành nghề của luật sư thường gắn rất chặt với hoạt động tư pháp mà trọng tâm
là hoạt động xét xử của Tòa án. Vì thế, tổ chức nghề nghiệp của luật sư (Đoàn,
Hội luật sư) thường được thành lập trong phạm vi thẩm quyền tài phán của một
Tòa án địa phương theo công thức: Tòa án địa phương/ Đoàn luật sư địa phương/
luật sư địa phương. Cũng vì lý do đó mà nhiều nước trên thế giới, trong đó có
Việt Nam
đã coi luật sư là một hoạt động “bổ trợ tư pháp”5. Trong hệ thống các quy định
pháp luật về tố tụng, luật sư được xác định là “người tham gia tố tụng”, có địa
vị pháp lý hoàn toàn khác so với những người tiến hành tố tụng. Trong khi đó,
xét về bản chất thì chức năng bào chữa tồn tại độc lập và đối trọng với chức
năng công tố như là một tất yếu khách quan tự thân của tranh tụng hình sự. Xét
ở một bình diện khác, một quan điểm rất đáng chú ý là trong luật tố tụng hình
sự thực định hiện hành, chức năng bào chữa không chỉ thuộc về bên bào chữa mà
còn thuộc về cả bên buộc tội và cơ quan xét xử nữa6.
Vì thế, xếp hoạt
động luật sư vào khuôn khổ của các hoạt động “bổ trợ tư pháp” vô hình trung đã
làm giảm nhẹ đi ý nghĩa sâu xa và các giá trị xã hội mà hoạt động này mang lại
cho sự phát triển của dân chủ nói chung và hoạt động tư pháp nói riêng. Thực tế
cho thấy khi giải quyết tranh chấp giữa cá nhân và cá nhân hay giữa cá nhân với
cơ quan Nhà nước, hầu hết các nước trên thế giới đều có thành lập 3 định chế:
Một là công tố nghiêng về buộc tội; hai là ngọn đèn khách quan soi sáng sự thật
dưới mọi khía cạnh để cho cơ quan xét xử thực hành thiên chức của mình một cách
công bằng. Định chế thứ ba bắt buộc phải là định chế luật sư, độc lập với cơ
quan buộc tội và cơ quan xét xử. Tính chất độc lập này không thể chỉ giới hạn
trong phạm vi tranh tụng tại phiên tòa, mà còn mở rộng đến các lĩnh vực của đời
sống xã hội. Ngay như ở Nhật Bản, một nước châu Á, chỉ đến 5 năm gần đây, trong
nhận thức của giới tư pháp đã bắt đầu có những cải cách thật sự khi xác định
luật sư là một chức danh tư pháp và chế định về luật sư được coi là một trong
ba chiếc cánh nâng đỡ nền tư pháp Nhật Bản. Trong điều kiện phát triển của xã
hội hiện nay và yêu cầu của chiến lược cải cách tư pháp, một điều dễ nhận thấy
là luật sư đã được nhìn nhận như là một chủ thể độc lập và quan trọng trong quá
trình tranh tụng, là những người hành nghề chuyên nghiệp về pháp luật. Theo các
quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001, họ còn được đào tạo nghề nghiệp và
phải qua kỳ thi và thời gian tập sự mới được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.
Xét về vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội, họ còn có sứ mạng bảo vệ Hiến
pháp và pháp luật, bảo đảm việc thực thi pháp luật được đúng đắn, bảo vệ công
bằng và chính nghĩa. Có thể khẳng định rằng, giá trị của hoạt động nghề nghiệp
luật sư không khác gì với những người làm công tác giám sát và thực thi pháp
luật khác. Nếu như chúng ta đưa ra các tiêu chí như luật sư không được coi là
“công chức”, hay họ không phải là người được Nhà nước trả lương và các khoản
bảo hiểm xã hội khác, hoặc bản chất nghề nghiệp không tạo ra cho họ thứ “quyền
lực” mà các nhân viên điều tra, kiểm sát viên hay thẩm phán đã có để làm căn cứ
phân biệt tính chất nghề nghiệp luật sư thì hoàn toàn không đúng cả về phương
diện lý luận và thực tiễn.
1.2- Về mặt ngữ
nghĩa, khái niệm nghề luật sư bao gồm hai cụm từ: Nghề với tính chất là một
nghề nghiệp và luật sư chỉ những người đủ điều kiện hành nghề luật sư theo quy
định của pháp luật về luật sư. Theo Từ điển tiếng Việt, nghề là “công việc
chuyên làm theo sự phân công của xã hội” hoặc hiểu theo nghĩa thứ hai là “thành
thạo trong một công việc nào đó”. Nghề nghiệp được hiểu là “nghề nói chung”,
còn nghề tự do có nghĩa là “nghề tự mình làm để sinh sống, không thuộc tổ chức,
cơ quan nào7. Nếu theo giải thích của Từ điển tiếng Việt nêu trên, cách hiểu
nghề luật sư như một nghề tự do lại không hoàn toàn phản ánh đầy đủ bản chất và
đặc trưng của nghề nghiệp này. Luật sư hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật
và cùng với việc được cấp chứng chỉ hành nghề, phải đăng ký hoạt động trong một
tổ chức hành nghề luật sư nhất định và sinh hoạt trong một tổ chức xã hội nghề
nghiệp nhất định nơi địa phương mình cư ngụ. Mặt khác, khái niệm “nghề tự do”
nói trên mới đặt nặng khía cạnh “kiếm sống” mà không bao hàm được vị trí, vai
trò của nghề nghiệp trong sự phát triển của xã hội. Trong luật thực định của một
số nước, luật sư được coi là một chủ thể độc lập trong hoạt động tư pháp, nhưng
họ quan niệm tính chất của nghề nghiệp là tự do. Theo quan điểm của chúng tôi,
hiện nay về mặt lý luận, chúng ta chưa làm rõ được tính chất “tự do” của nghề
nghiệp và luật sư là người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, bởi đây là hai
khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nói tới tính chất là nói tới thuộc tính cơ bản
của một sự vật, trong trường hợp này, luật sư là chủ thể độc lập trong hoạt
động tư pháp, là người thực thi và truyền bá pháp luật của Nhà nước nên không
thể nói tính chất của nghề nghiệp này là nghề tự do. Tính chất độc lập cần phải
được coi là thuộc tính của nghề nghiệp luật sư, còn nói tới tự do là nói tới
phương thức hành nghề tự do của luật sư, như có thời gian và không gian hoạt
động tự do, có quyền tự do lựa chọn khách hàng, không bị những hạn chế, bó buộc
như một công chức Nhà nước.
Từ những phân tích,
kiến giải nêu trên, lần đầu tiên chúng tôi khái quát hóa và định nghĩa khái
niệm nghề luật sư như sau: “Nghề luật sư là một nghề luật, trong đó các luật sư
bằng kiến thức pháp luật của mình, độc lập thực hiện các hoạt động tư vấn pháp
lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp
luật và quy chế trách nhiệm nghề nghiệp, nhằm mục đích phụng sự công lý, góp
phần tích cực bảo vệ pháp chế và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội
chủ nghĩa”.
2- Đặc điểm của nghề luật sư:
Nghề luật sư rất
chú ý đến vai trò cá nhân, uy tín nghề nghiệp của luật sư và phương thức tự do
trong hành nghề luật sư . Nhiều ý kiến quan niệm nghề luật sư có những điểm
tương đồng với nghề bác sỹ. Nghề luật sư cần có kiến thức pháp luật, thông thạo
nghề nghiệp để chăm sóc những “con bệnh pháp luật” của mình. Có tác giả quan
niệm: “Nghề luật sư đòi hỏi tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp cao, tương tự như
nghề y. Luật sư mang trên vai gánh nặng niềm tin mà xã hội và khách hàng ủy
thác cho họ. Nếu như người bệnh tin tưởng, phó thác sức khỏe và cuộc sống của
mình vào người bác sỹ vì người bệnh hy vọng rằng chính bác sỹ mới là người có
đủ khả năng cứu giúp họ thì cũng tương tự như vậy, khách hàng đặt quyền lợi vật
chất hoặc cao hơn nữa là sinh mạng chính trị, tự do, danh dự, nhân phẩm…của
mình vào người luật sư”8. Cách nhìn và so sánh như trên được nhiều người tán
đồng. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, cũng cần chỉ ra sự khác biệt rất
quan trọng của hai nghề này, phương thức “tác động” của nghề nghiệp đối với
khách hàng của mình khác nhau: Bác sỹ có thể chủ động và chịu trách nhiệm về số
phận của bệnh nhân, thông qua hành vi, thao tác mổ xẻ, điều trị trực tiếp; còn
luật sư giúp đỡ cho khách hàng của mình về phương diện pháp lý, nhưng nhiều
trường hợp, số phận của khách hàng lại không phụ thuộc vào sự trợ giúp của luật
sư, mà chịu sự định đoạt của pháp luật.
Đã có một số tác
giả đề cập đến các đặc trưng của nghề luật nói chung, nhưng đối với nghề luật
sư, việc xác định các đặc điểm riêng có cần phải xuất phát từ bản chất, vị trí,
vai trò của nghề luật sư trong toàn bộ các định chế chính trị và tư pháp ở
thượng tầng kiến trúc và các quan niệm mang tính phổ biến được hình thành trong
lịch sử thế giới và ở Việt Nam.
Theo quan niệm đó,
có thể xem xét các đặc điểm của nghề luật sư trên các bình diện sau đây:
2.1- Nghề luật sư
trước hết là một nghề luật:
Nói nghề luật sư là
một nghề luật trước hết nhằm để phân biệt với các nghề khác trong xã hội. Như
vậy, nói tới nghề luật là nói tới công việc chuyên môn của những người hoạt
động liên quan đến pháp luật, như nghề thẩm phán, công tố, công an, công chứng…
Tuy nhiên, nghề luật sư có những khác biệt với những nghề liên quan đến pháp
luật nói trên không chỉ ở chức năng, theo sự phân công của xã hội, mà còn ở chỗ
nó được thể hiện qua các phương thức hành nghề một cách tự do. Luật sư không
phải là một công chức, không phải là một chức vụ được đề cử hoặc đề bạt, mà là
một danh xưng được đặt ra theo sự phát triển của lịch sử và được pháp lý hóa.
Nghề luật sư bao hàm ý nghĩa chỉ những người hội đủ điều kiện theo quy định của
pháp luật mới được phép hành nghề luật sư. Điều này cũng phân biệt một số
trường hợp được coi là người bào chữa hoặc là người đại diện theo ủy quyền như
quy định trong pháp luật tố tụng (như bào chữa viên nhân dân, người thân thích
của bị can, bị cáo…) nhưng không phải là người hoạt động trong nghề luật sư
nhằm giúp cho quá trình hành nghề được hợp pháp.
2.2- Nghề luật sư
mang tính chất dịch vụ và được nhận thù lao của khách hàng
Related articles 01:
1. https://docluat.vn/archive/1122/
2. https://docluat.vn/archive/1148/
3. https://docluat.vn/archive/989/
Tính chất dịch vụ
của nghề luật sư không phải đã được thừa nhận rộng rãi. Nhiều người quan niệm
không nên đề cập đến tính chất dịch vụ như một trong những đặc điểm của nghề
luật sư bởi sự cao quý của nghề nghiệp này. Hơn nữa, hiểu dịch vụ như là “đổi
trao, mua bán” thứ hàng hóa là “kiến thức – kỹ năng pháp luật” sẽ hạ thấp vai
trò của luật sư trong việc thúc đẩy sự phát triển dân chủ trong hoạt động tư
pháp và xã hội nói chung.
Tính chất dịch vụ
của nghề luật sư là một loại dịch vụ đặc biệt, khác với quan niệm về dịch vụ
thông thường. Theo Điều 5.5 Luật Thương mại, dịch vụ thương mại được hiểu gồm
những dịch vụ gắn với việc mua bán hàng hóa. Trong Hiệp định thương mại Việt-
Mỹ, lại xuất hiện khái niệm thương mại dịch vụ, được định nghĩa là việc cung
cấp một dịch vụ (a) từ lãnh thổ của một bên vào lãnh thổ bên kia; (b) tại lãnh
thổ của một bên cho người sử dụng dịch vụ của bên kia và (c) bởi một nhà cung
cấp dịch vụ của một bên, thông qua sự hiện diện của các thể nhân của một bên
tại lãnh thổ của bên kia. Trong Bộ luật dân sự Việt Nam, hợp đồng dịch vụ được
hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên làm dịch vụ thực hiện một công
việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền công cho bên làm
dịch vụ. Đối tượng của hợp đồng dịch vụ phải là công việc có thể thực hiện
được, không bị pháp luật cấm, không trái đạo đức xã hội. Theo Điều 527 Bộ luật
dân sự, “bên thuê dịch vụ phải trả tiền công theo thỏa thuận, khi công việc đã
hoàn thành; nếu không thỏa thuận về mức tiền công, thì mức tiền công là mức
trung bình đối với công việc cùng loại tại thời điểm và địa điểm hoàn thành
công việc”.
Nhìn ra thế giới,
một trong những kết quả quan trọng của vòng đàm phán Uruguay là lần đầu tiên
trong lịch sử, thương mại dịch vụ và sở hữu trí tuệ được đưa vào hệ thống
thương mại thế giới, được điều chỉnh bởi Hiệp định chung về thương mại dịch vụ
(GATS) trong khuôn khổ của Tổ chức thương mại thế giới WTO. Theo GAST, khái
niệm dịch vụ pháp lý theo nghĩa rộng bao gồm dịch vụ tư vấn pháp luật (Advisory
Services), dịch vụ đại diện (Representation Services) và tất cả các hoạt động
liên quan đến tư pháp như xét xử, công tố, bào chữa công… Tuy nhiên, ở hầu hết
các nước trên thế giới, các hoạt động liên quan đến tư pháp được coi là dịch vụ
do các cơ quan Chính phủ thực hiện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình,
nên các hoạt động này không thuộc phạm vi điều chỉnh của GATS. Trong Bảng phân
loại các lĩnh vực dịch vụ của WTO, “dịch vụ pháp lý” là một phân ngành “dịch vụ
nghề nghiệp” (Professional Services) thuộc lĩnh vực “dịch vụ kinh doanh”
(Bussiness Services). Theo Danh mục phân loại tạm thời các lĩnh vực dịch vụ
(PCPC) của Liên Hợp quốc kèm theo mã số cho từng lĩnh vực và phân ngành dịch vụ
cụ thể thì dịch vụ pháp lý có mã số 861 và được phân chia thành nhiều tiểu phân
ngành như: (a) dịch vụ tư vấn và đại diện liên quan đến pháp luật hình sự (PCPC
86111); (b) dịch vụ tư vấn và đại diện trong tố tụng tư pháp liên quan đến các
lĩnh vực khác của pháp luật (PCPC 86119); (c) dịch vụ tư vấn và đại diện trong
các thủ tục hành chính, trọng tài (PCPC 86120) (d) dịch vụ lập và xác nhận các
giấy tờ pháp lý (PCPC 86130) và (e) các dịch vụ pháp lý khác (PCPC 8619)… Việt
Nam đã tham gia ký Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) vào ngày 15-12-1995
tại Băng cốc (Thái Lan), trong đó mở rộng mức độ tự do hóa thương mại dịch vụ
các về chiều rộng lẫn chiều sâu ra ngoài khuôn khổ những cam kết của GATS. Tại
vòng đàm phán đầu tiên về hợp tác dịch vụ vào tháng 1-1996, Việt Nam đã đưa ra
cam kết về dịch vụ tư vấn pháp luật và các cam kết này về cơ bản dựa vào các
quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực này9. Tuy nhiên, khi coi nghề
luật sư mang tính chất dịch vụ, có nghĩa là nói đến khía cạnh dịch vụ pháp lý
hiểu theo nghĩa ở trên. Vì là dịch vụ nên Pháp lệnh luật sư quy định “khách
hàng phải trả thù lao khi sử dụng dịch vụ pháp lý của Văn phòng luật sư, Công
ty luật hợp danh”, đồng thời quy định rõ căn cứ và phương pháp tính thù lao.
2.3- Nghề luật sư
gắn liền với số phận con người:
Có thể nói, nghề
luật sư, cũng như các nghề luật khác, từ bao đời nay được coi là một nghề
nghiệp gắn bó với số phận của con người. Đồng chí Lê Duẩn từng căn dặn cán bộ
ngành KS,TA,CA: “Lý tưởng của chúng ta là chống áp bức, bóc lột, một lòng một
dạ vì nhân dân mà phục vụ. Phải thấu suốt lý tưởng đó, kiên quyết không dung
thứ những điều oan ức và không làm điều oan cho bất cứ một ai. Một người bị tội
oan, chẳng những người ấy đau khổ, mà gia đình con cái họ càng đau khổ hơn. Làm
điều oan cho một người nào đó thì chúng ta không còn lẽ sống nữa, bởi vì chúng
ta là những người cộng sản. Cán bộ các ngành CA,TA,KS phải thấy hết trách nhiệm
cao cả và nặng nề của mình” (phát biểu tại Hội nghị toàn ngành Kiểm sát tháng
3-1967).
Phần nhiều các ý
kiến đều quan niệm luật sư có nhiệm vụ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho
bị can, bị cáo đồng thời với nhiệm vụ bảo vệ pháp chế XHCN, tôn trọng sự thật
và pháp luật. Hai nhiệm vụ trên không mâu thuẫn với nhau, trái lại gắn bó hữu
cơ và mật thiết với nhau. Tuy nhiên, có tác giả lại quan niệm sứ mạng cao cả và
thiêng liêng của luật sư là bênh vực và bảo vệ kẻ yếu. “Kẻ yếu” ở đây được hiểu
là “người dân trong quan hệ với cơ quan công quyền, người kém hiểu biết hơn và
nghèo hơn trong quan hệ với người hiểu biết hơn và giàu hơn…Kẻ yếu, để làm tăng
sức mạnh của mình thì có một cách tốt là sử dụng luật sư”10. Quan niệm như trên
không phải là một quan niệm đúng cả về phương diện lịch sử và bản chất nghề
nghiệp luật sư. Không thể quan niệm quyền lợi người dân như là “kẻ yếu” chỉ vì
họ kém hiểu biết hoặc nghèo hơn người khác. Phải nhìn nhận rằng, dân chủ và
nhân đạo là bản chất của chế độ XHCN. Nhà nước ta coi trọng quyền của con
người. Những quyền này được Hiến pháp quy định (Điều 70): “Công dân có quyền
được pháp luật bảo hộ về tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm”. Quyền này
được nêu thành nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật TTHS và được xếp lên hàng đầu.
Sự gắn bó của nghề nghiệp luật sư với số phận của con người, bất luận trong
trường hợp nào, cũng được coi là sự kết nối tự nhiên, mang tính bản chất. Đối
tượng của nghề nghiệp luật sư, vì thế không đơn thuần mang tính dịch vụ và chỉ
nghĩ đến việc kiếm lời từ dịch vụ đó, mà trước hết chính là nhằm đáp ứng nhu
cầu chính đáng của người dân cần được sự trợ giúp về mặt pháp lý.
2.4- Nghề luật sư
hoạt động dựa trên pháp luật và quy chế trách nhiệm nghề nghiệp
Cũng như bất cứ
hoạt động nghề nghiệp nào khác, nền tảng hoạt động của nghề luật sư phải dựa
trên pháp luật và các quy chế trách nhiệm nghề nghiệp. Pháp luật về luật sư
được coi là hệ thống các quy phạm pháp luật xác định vị trí, vai trò của luật
sư trong xã hội, quy định các quyền và nghĩa vụ của luật sư trong hành nghề,
phạm vi quản lý Nhà nước đối với hoạt động luật sư và tính tự quản trong tổ
chức nghề nghiệp luật sư; xử lý vi phạm trong hoạt động nghề nghiệp… Tuy nhiên,
khi nói tới quy chế trách nhiệm nghề nghiệp như chuẩn mực nền tảng đạo đức và
kỷ luật của hoạt động luật sư thì cũng không có nghĩa là quy chế này “chi phối
luật sư cả trong công việc và đời sống riêng của họ” như có tác giả đã đề cập.
Ở đây, chúng ta chỉ có thể nói đến sự chi phối trong hoạt động nghề nghiệp và
những tác động của hành vi ứng xử của luật sư trong cuộc sống riêng có thể làm
ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của luật sư.
Tuy đối tượng và
phạm vi điều chỉnh của pháp luật và quy chế trách nhiệm nghề nghiệp luật sư có
khác nhau, nhưng giữa chúng có mối liên hệ mật thiết và chi phối lẫn nhau. Pháp
luật về luật sư có tác dụng như “hành lang”, “khuôn mẫu chung” cho luật sư hoạt
động với các quyền và nghĩa vụ cụ thể trước pháp luật, còn quy chế trách nhiệm
nghề nghiệp luật sư lại chủ yếu điều chỉnh hành vi ứng xử của luật sư trong
hoạt động nghề nghiệp và trong xã hội, tuy không hoàn toàn mang tính bắt buộc nhưng
cũng đòi hỏi phải được sự tôn trọng từ phía các luật sư. Trong nhiều trường
hợp, đối với nghề nghiệp luật sư, các quy tắc ứng xử thuộc về phạm trù đạo đức
lại chi phối và có tác động lớn lao đến uy tín, danh dự của luật sư và ảnh
hưởng chi phối rất nhiều đến chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Sự
cộng hưởng qua lại giữa pháp luật và quy tắc trách nhiệm nghề nghiệp trong hoạt
động của luật sư là một trong những minh chứng cho mối quan hệ giữa pháp luật
và đạo đức nói chung.Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn bàn thêm chính là ở chỗ,
khi xem xét mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức nói chung, người ta không thể
không đề cập đến một vấn đề lý luận rất quan trọng là với sự trùng khớp về nội
hàm của hai khái niệm này trong mục đích điều chỉnh hành vi của xã hội, cần
phải nhìn thấy “tính pháp lý” của các quy phạm đạo đức và “tính đạo đức” của
các quy phạm pháp luật. Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật
Việt Nam nói chung và pháp luật về bảo đảm quyền bào chữa của công dân, về luật
sư nói riêng, đã có một giai đoạn khá dài trong lịch sử, nhiều quan hệ xã hội
được điều chỉnh chủ yếu bằng các hương ước, luật tục và trong nhiều trường hợp,
tính “vượt trội” của thứ lệ làng này cao hơn phép nước. Các quy phạm xã hội như
hương ước, luật tục đã không chỉ tồn tại dưới dạng truyền khẩu, bất thành văn,
mà đã được nâng lên một bước với việc được in ấn dưới nhiều hình thức khác
nhau. Nói cách khác, các quy phạm xã hội này được “luật hóa” thông qua việc thể
hiện bằng các văn bản mang tính chế ước, có tác dụng cưỡng chế nhất định, thứ
cưỡng chế không xuất phát từ quyền lực Nhà nước. Ở chiều ngược lại, nhiều quy
phạm pháp luật lại mang tính định hướng, giáo dục hơn là răn đe, trừng phạt.
Vấn đề này có ý
nghĩa lý luận to lớn ở chỗ, không chỉ đôi khi các giá trị đạo đức có ý nghĩa
ràng buộc trách nhiệm công dân lớn hơn pháp luật, mà thật sự nền tảng phát
triển của pháp luật trong đời sống sẽ có một “dung môi” tốt hơn nếu tính tự
giác và ý thức pháp luật được hình thành từ đạo lý, từ bề dày lịch sử truyền
thống văn hóa của dân tộc. Bất luận trong trường hợp nào, vấn đề cốt lõi là làm
sao cho người dân nhận ra được nhu cầu về dịch vụ pháp lý một cách trung thực
và lựa chọn được hình thức dịch vụ thích hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của mình.
2.5- Nghề luật sư
là bất khả kiêm nhiệm:
Thông lệ hành nghề
luật sư trên thế giới là bất khả kiêm nhiệm. Tuy nhiên, do đặc điểm lịch sử của
đất nước và quá trình hình thành nghề luật sư ở Việt Nam, nên trong một thời
gian khá dài sau giải phóng, pháp luật về luật sư vẫn cho phép duy trì chế độ
luật sư kiêm chức. Những luật sư kiêm chức này thực chất vẫn bảo đảm các tiêu
chuẩn hành nghề luật sư, nhưng họ đang là công chức hoặc những người làm việc
liên quan đến pháp luật khác, chiếm tỷ lệ gần 40% số lượng luật sư trong cả
nước. Khiếm khuyết của tình trạng kiêm nhiệm này trong thời gian qua là luật sư
kiêm chức không thật sự sống với nghề và bằng nghề, thời gian dành cho hoạt
động luật sư bị chi phối bởi thời gian làm việc mang tính bắt buộc của công
chức, thậm chí gây phiền hà cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi vắng mặt tại
phiên tòa xét xử bị cáo mà mình đã nhận trách nhiệm bào chữa. Tính không chuyên
nghiệp trong hoạt động luật sư về phương diện này còn làm cho người cần hỗ trợ
về pháp lý, bị can, bị cáo cảm thấy không tin tưởng vào sự tận tâm của luật sư,
các cơ quan tiến hành tố tụng vì thế mà có đánh giá không tốt về hoạt động nghề
nghiệp luật sư, giảm thiểu vai trò luật sư trong đời sống xã hội.
Bất khả kiêm nhiệm
như một đặc điểm trong hoạt động của nghề luật sư không chỉ bảo đảm hoạt động
này mang tính chuyên nghiệp, mà còn góp phần nâng cao vị trí, vai trò của luật
sư trong xã hội. Mặt khác, về phương diện pháp lý, Pháp lệnh công chức quy định
cán bộ, công chức không được thành lập và tham gia thành lập, quản lý điều hành
các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, trường học, tổ chức nghiên cứu khoa học
tư; không được tư vấn về các công việc có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật
công tác, các công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình… Quan điểm của
những nhà làm luật cho rằng, để tiến tới chuyên nghiệp nghiệp hóa đội ngũ luật
sư, cần thực hiện nguyên tắc bất khả kiêm nhiệm để luật sư có thể chuyên tâm
với nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu giúp đỡ pháp lý ngày càng phong phú và phức
tạp của nhân dân.
2.6- Nghề luật sư
là hoạt động mang tính quốc tế
Tính chất quốc tế
của hoạt động nghề nghiệp luật sư hình thành cùng với sự phát triển của nghề
luật sư trong lịch sử. Cùng với sự phát triển của các hình thái kinh tế- xã hội
của loài người, các cuộc chiến tranh liên miên đã kéo theo sự xê dịch của các
nền văn hóa và pháp lý. Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế và chủ động
hội nhập đời sống quốc tế, luật sư các nước trên thế giới đã mở rộng phạm vi và
lĩnh vực hoạt động ra khỏi biên giới quốc gia, đóng một vai trò ngày càng quan
trọng trong việc thúc đẩy các quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội giữa các nước.
Người ta đã quen với hình ảnh bên cạnh các doanh nghiệp quốc tế đến làm ăn tại
Việt Nam
có một đội ngũ luật sư giúp tư vấn và soạn thảo hợp đồng, tham gia giải quyết
tranh chấp. Các hiệp ước song phương và đa phương ký kết giữa các nước có sự
tham gia soạn thảo của các luật sư giàu kinh nghiệm. Trong điều kiện đất nước
chủ động tham gia tiến trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ban hành nhiều văn
bản pháp quy điều chỉnh hoạt động hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật
sư nước ngoài tại Việt Nam, theo đó các luật sư nước ngoài chỉ được tư vấn về pháp
luật nước ngoài, pháp luật quốc tế trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương
mại, không được tư vấn pháp luật Việt Nam, không tham gia tố tụng trước Tòa án
Việt Nam. Nhiều luật sư Việt Nam
đã tham gia giải quyết các vụ kiện tranh chấp có yếu tố nước ngoài tại các Tòa
án, trọng tài quốc tế…
Related articles 02:
1. https://docluat.vn/archive/957/
2. https://docluat.vn/archive/1122/
3. https://docluat.vn/archive/989/
Pháp lệnh luật sư
năm 2001 đã cho phép các Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh được thuê
luật sư nước ngoài, hợp tác với tổ chức luật sư nước ngoài theo quy định của
pháp luật về hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam; đặt cơ sở hành nghề
ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ. Nghị định số 94/2001/NĐ-CP ngày
12-12-2001 của Chính phủ đã quy định chi tiết các điều kiện mà tổ chức hành
nghề luật sư được đặt cơ sở hành nghề ở nước ngoài, cũng như cử luật sư thực
hiện dịch vụ pháp lý ở nước ngoài. Các quy định pháp lý nêu trên đã mở ra khả
năng to lớn cho việc nâng cao sức cạnh tranh của đội ngũ luật sư Việt Nam trên trường
quốc tế.
Tài liệu tham khảo
1 TS. Phan Hữu Thư, Nghề và nghề luật, Đặc san Nghề
luật, Trường Đào tạo các chức danh tư pháp, Số 1/2001, tr. 4.
2 TS. Hà Hùng Cường, Pháp lệnh về hành nghề luật sư ở
Việt Nam, Bài giảng vào ngày 26-6-2002 tại Khóa I Lớp đào tạo nguồn luật sư các
tỉnh phía Nam
tổ chức tại TPHCM.
3 Trường Đào tạo các chức danh tư pháp, Kỹ năng hành
nghề luật sư, tập I, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 11-12.
4 TS. Nguyễn Đình Lộc, Về Pháp lệnh Luật sư năm 2001,
Số chuyên đề về Pháp lệnh Luật sư năm 2001, Bộ Tư pháp và Tạp chí Dân chủ và
Pháp luật, tr. 6.
5 TS. Hà Hùng Cường, Pháp lệnh luật sư năm 2001 với
việc đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và thế giới, Số chuyên đề về Pháp lệnh
Luật sư năm 2001, Sđd, tr. 23.
6 TS. Phạm Hồng Hải, Về chức năng bào chữa trong tố tụng
hình sự, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật, Số 2 (85),
1994, tr.27.
7 Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, Nhà
xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1999, tr. 1192.
8 TS. Hà Hùng Cường, Pháp lệnh luật sư năm 2001 với việc
đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và thế giới, Sđd, tr. 19.
9 Lê Hồng Sơn- Dương Thu Phương, Hành nghề tư vấn pháp
luật của luật sư nước ngoài tại Việt Nam, Số chuyên đề về Pháp lệnh luật sư năm
2001, Sđd, tr. 107-111.
10 Nguyễn Tiến Lập, Tham luận tại Hội thảo Đạo đức nghề
nghiệp luật sư, Bộ Tư pháp, TPHCM 3/2001.