Khái niệm luật sư và thẩm quyền công nhận luật sư theo quy định của pháp luật một số nước trên thế giới
Luật sư hành nghề bằng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp của cá nhân luật sư. Nói cách khác, phẩm chất và năng lực cá nhân của luật sư là yếu tố quyết định trong nghề luật sư. Người muốn hành nghề luật phải được công nhận là luật sư. Pháp luật các nước trên thế giới thường không đưa ra khái niệm luật sư mà chỉ quy định về tiêu chuẩn (qualification) để trở thành luật sư. Tiêu chuẩn phổ biến để được công nhận luật sư là: a) Là công dân ở nước sở tại; b) Có bằng cử nhân luật; c) Có phẩm chất đạo đức tốt.
Ngoài các tiêu chuẩn trên, muốn trở thành luật sư phải qua đào tạo nghề, tập sự hành nghề luật sư hoặc chỉ cần đỗ kỳ thi quốc gia để được công nhận luật sư, điều đó còn phụ thuộc vào quy định pháp luật mỗi nước.
Thẩm quyền công nhận có thể là Tòa án tối cao hay Bộ Tư pháp hoặc chỉ cần đăng ký gia nhập một Đoàn luật sư thì trở thành luật sư. Căn cứ vào pháp luật của các nước trên thế giới quy định về tiêu chuẩn luật sư và thẩm quyền công nhận luật sư có thể phân được thành các nhóm sau đây:
Thứ nhất, qua một kỳ thi quốc gia mà không phải qua đào tạo nghề và tập sự hành nghề luật sư. Hoa Kỳ là nước quy định theo chiều hướng này. Muốn trở thành luật sư phải qua một kỳ thi để công nhận là luật sư (Bar examination). Toà án bang là cơ quan có thẩm quyền công nhận và cho phép hành nghề luật sư. Người xin được công nhận luật sư phải tuyên thệ trước Toà án tại một phiên toà xét xử công khai. Toà án sẽ chứng nhận lời tuyên thệ của người xin công nhận luật sư và ghi tên người đó vào danh sách luật sư. Danh sách này được đăng ký tại phòng hành chính của Toà án.
Thứ hai, phải qua đào tạo nghề, nhưng không phải qua tập sự hành nghề luật sư. ở Nhật Bản, người muốn trở thành luật sư, trước hết phải thi đỗ kỳ thi tư pháp quốc gia và hoàn thành chương trình đào tạo 18 tháng tại Học viện Tư pháp. Theo quy định của Luật về Luật sư Nhật Bản, người muốn hành nghề luật sư phải đăng ký tên vào danh sách luật sư lưu giữ tại Liên đoàn luật sư Nhật Bản. Việc đăng ký tên vào danh sách luật sư của Liên đoàn luật sư Nhật Bản được thực hiện thông qua Đoàn luật sư địa phương, nơi luật sư dự định gia nhập.
Thứ ba, phải qua hai giai đoạn đào tạo nghề. ở Anh muốn trở thành luật sư tư vấn hoặc luật sư tranh tụng đều phải qua đào tạo hành nghề 1 năm tại cơ sở đào tạo của Hiệp hội luật sư hoặc Đoàn luật sư và đào tạo kỹ năng hành nghề thực tế tại hãng luật hoặc văn phòng luật sư.
Những người có đủ điều kiện trên có thể nộp đơn cho Hiệp hội luật sư để xin công nhận là luật sư tư vấn. Nếu xét thấy người nộp đơn đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên, Hiệp hội luật sư cấp giấy công nhận là luật sư tư vấn cho người đó.
Việc công nhận luật sư biện hộ do một hội đồng của Đoàn luật sư thực hiện. Sau khi được công nhận luật sư biện hộ, phải ghi tên mình vào danh sách luật sư biện hộ tại một Tòa án và danh sách này do Toà án tối cao quản lý và được lưu giữ tại Đoàn luật sư. Để được phép hành nghề luật sư biện hộ phải tuyên thệ tại Toà án nơi họ hành nghề.
Thứ tư, phải qua đào tạo nghề và tập sự hành nghề luật sư. ở Pháp, muốn trở thành luật sư phải qua một khóa đào tạo nghề và sau đó phải tập sự hành nghề luật sư. Trong thời gian tập sự hành nghề, luật sư tập sự được quyền hành nghề như luật sư chính thức. Kết thúc tập sự được cấp giấy chứng nhận hoàn thành tập sự, nhưng không phải thi hết tập sự. Sau đó đăng ký gia nhập một Đoàn luật sư trở thành luật sư. Trước khi trở thành luật sư phải tuyên thệ trước một Tòa án.
Thứ năm, có thể lựa chọn giữa đào tạo nghề hoặc thực tập hành nghề luật sư. ở Australia (bang Victoria) quy định muốn trở thành luật sư, thì phải qua khóa đào tạo nghề với thời gian học là 7 tháng hoặc phải qua thực tập hành nghề luật sư tại một tổ chức hành nghề luật sư với thời gian là một năm. Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo hoặc chứng nhận thời gian thực tập hành nghề một năm, các ứng viên sẽ được Tòa án tối cao bang công nhận luật sư.
Thứ sáu, phải qua một kỳ thi quốc gia công nhận đủ tiêu chuẩn luật sư và tập sự hành nghề. Theo quy định của Luật về Luật sư của Trung Quốc, muốn được hành nghề luật sư phải có đủ tiêu chuẩn luật sư (shall acquire qualification as lawyer) và có chứng chỉ hành nghề luật sư (practice certificate).
Người muốn được công nhận là đủ tiêu chuẩn luật sư phải thi đỗ kỳ thi quốc gia công nhận đủ tiêu chuẩn (khả năng hành nghề) luật sư được tổ chức mỗi năm một lần. Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức kỳ thi này và thực hiện việc công nhận đủ tiêu chuẩn (khả năng hành nghề) luật sư cho những người thi đỗ.
Chứng chỉ hành nghề luật sư được cấp cho những người tán thành Hiến pháp nước CHND Trung Hoa và đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây: a) Đã được công nhận đủ tiêu chuẩn (khả năng hành nghề) luật sư; b) Đã qua thời gian tập sự hành nghề 1 năm tại một Văn phòng luật sư; c) Có phẩm chất đạo đức tốt. Chứng chỉ hành nghề luật sư do Sở Tư pháp tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương cấp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ xin cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Thứ bảy, phải qua hai kỳ thi. Theo quy định của Quy chế luật sư Cộng hòa Liên bang Đức, người muốn trở thành luật sư phải đỗ 2 kỳ thi quốc gia về luật theo quy định của các bang. Trong đó, kỳ thi quốc gia về luật lần thứ nhất là kỳ thi kết thúc khoá học luật tại trường đại học, còn kỳ thi thứ hai sẽ do Bộ Tư pháp của mỗi bang tổ chức.
Việc cấp giấy phép hành nghề luật sư cũng như quản lý hoạt động luật sư thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp mỗi bang. Người muốn hành nghề luật sư phải nộp đơn xin hành nghề luật sư và nộp tại Bộ Tư pháp bang nơi họ thường trú. Tại một số bang thì Đoàn luật sư địa phương được Bộ Tư pháp uỷ quyền về việc xem xét đơn xin làm luật sư và cho phép làm luật sư tại một Toà án nhất định. Đoàn luật sư địa phương là Đoàn luật sư nơi mà người làm đơn xin phép hành nghề và tại nơi mà văn phòng luật sư sẽ được thành lập.
Qua phân tích quy định pháp luật về luật sư của một số nước trên thế giới có thể rút ra một số nhận xét sau đây:
– Khái niệm luật sư được hiểu là người có đủ tiêu chuẩn luật sư và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận là luật sư.
– Về tiêu chuẩn trở thành luật sư, pháp luật các nước rất chú trọng đến tiêu chuẩn về trình độ. Tuy nhiên, việc xác định trình độ của một người muốn trở thành luật sư thì được đánh giá bằng việc thi quốc gia hoặc thông qua khóa đào tạo nghề. Về tập sự hành nghề luật sư, thì rất ít nước quy định hoặc quy định nhưng mang tính hình thức, có nghĩa là sau kỳ tập sư không phải kiểm tra hoặc trong thời gian tập sự vẫn được hành nghề như luật sư chính thức. Ngoài ra, còn cho phép người muốn trở thành luật sư có quyền lựa chọn một trong các hình thức là qua đào tạo nghề hoặc qua thực tập nghề luật sư.
– Tòa án tối cao hoặc Bộ Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền công nhận luật sư. Một số nước lại quy định người có đủ tiêu chuẩn luật sư muốn trở thành luật sư phải đăng ký gia nhập một Đoàn luật sư.
Khái niệm luật sư và thẩm quyền công nhận luật sư theo quy định của pháp luật Việt Nam
Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 không đưa ra một định nghĩa về luật sư, mà chỉ quy định muốn làm luật sư thì phải đủ điều kiện và gia nhập Đoàn luật sư. Việc gia nhập Đoàn luật sư phải được Hội nghị toàn thể Đoàn luật sư thông qua theo đề nghị của Ban chủ nhiệm. Người mới gia nhập Đoàn luật sư phải qua một thời gian tập sự từ 6 tháng đến 2 năm và một kỳ kiểm tra do Đoàn luật sư tổ chức, mới được công nhận là luật sư. Luật sư tập sự được bào chữa và làm các việc giúp đỡ pháp lý khác như luật sư. (Điều 12 Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987).
Related articles 01:
1. https://docluat.vn/archive/3319/
2. https://docluat.vn/archive/1520/
3. https://docluat.vn/archive/1252/
Người được công nhận là luật sư được cấp thẻ luật sư. Thẻ luật sư do Ban chủ nhiệm cấp cho các luật sư (điểm 4 Mục II Thông tư 313-TT/LS ngày 15/4/1989 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quy chế Đoàn luật sư). Chỉ được sử dụng thẻ luật sư trong khi thực hiện các nhiệm vụ do Ban chủ nhiệm phân công và trong sinh hoạt của Đoàn, không được sử dụng vào việc khác. Thẻ luật sư do Bộ Tư pháp thống nhất phát hành và quản lý việc sử dụng.
Như vậy, theo quy định của Pháp lệnh Tổ chức luật sư thì một người muốn được công nhận là luật sư phải gia nhập Đoàn luật sư. Thẩm quyền công nhận luật sư hay thẩm quyền chấp nhận gia nhập Đoàn luật sư thuộc Hội nghị toàn thể Đoàn luật sư. Thẻ luật sư là giấy tờ chứng minh một người là luật sư và được sử dụng trong hành nghề và trong sinh hoạt của Đoàn luật sư.
Đến Pháp lệnh Luật sư năm 2001, khái niệm luật sư mới được đặt ra. Vì tên gọi là Pháp lệnh Luật sư, cho nên khái niệm luật sư là vấn đề được thảo luận rất sôi nổi trong quá trình soạn thảo Pháp lệnh. Các ý kiến đều tập trung xung quanh nội hàm của khái niệm, cơ quan soạn thảo cũng đưa ra nhiều phương án xử lý, tuy nhiên vẫn còn có ý kiến khác nhau. Việc đưa ra khái niệm luật sư trong Pháp lệnh là có phần khó khăn, hơn nữa, có tính học thuật, dễ gây tranh luận và nhiều ý kiến cũng thừa nhận điều đó. Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, việc đưa ra khái niệm hoặc định nghĩa luật sư chỉ mang tính quy ước, quy định để hiểu một cách thống nhất. Vì vậy, quy định về luật sư trong Pháp lệnh Luật sư chủ yếu để đưa ra cách hiểu thuật ngữ chứ không hàm ý đưa ra khái niệm.
Pháp lệnh Luật sư năm 2001 quy định luật sư là người có đủ điều kiện hành nghề luật sư (Điều 1 Pháp lệnh Luật sư). Người muốn hành nghề luật sư phải gia nhập Đoàn luật sư và có Chứng chỉ hành nghề luật sư (Điều 7 Pháp lệnh Luật sư) mà không quy định về tiêu chuẩn luật sư, thủ tục và thẩm quyền công nhận luật sư. Người được gia nhập Đoàn luật sư, để trở thành luật sư phải qua tập sư và kỳ kiểm tra hết tập sự và nếu đạt yêu cầu thì được Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư đề nghị Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư (Điều 13 Pháp lệnh Luật sư). Kỳ kiểm tra hết tập sự do Bộ Tư pháp tổ chức.
Khoản 4 Điều 13 Pháp lệnh Luật sư năm 2001 quy định: “Người được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư được hành nghề với đầy đủ các quyền nghĩa vụ của luật sư”, trong đó có quyền hành nghề luật sư, bởi vì theo quy định Điều 15 “Quyền và nghĩa vụ của luật sư” của Pháp lệnh Luật sư thì luật sư có quyền: a) Lựa chọn lĩnh vực hành nghề theo quy định của Pháp lệnh này; b) Thành lập Văn phòng luật sư hoặc Công ty hợp danh; c)Tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng và Pháp lệnh này; d) Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Điều 20 Pháp lệnh Luật sư, trong hồ sơ đăng ký thành lập Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật hợp danh chỉ cần bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư mà không yêu cầu Thẻ luật sư. Từ đó có thể hiểu, một người trở thành luật sư từ thời điểm được Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư hay nói một cách khác, luật sư là người có Chứng chỉ hành nghề do Bộ Tư pháp cấp.
Điều 34 “Thành viên của Đoàn luật sư” của Pháp lệnh Luật sư quy định: “Luật sư đã tham gia Đoàn luật sư là thành viên của Đoàn luật sư. Quyền, nghĩa vụ của thành viên Đoàn luật sư trong quan hệ nội bộ Đoàn luật sư do Điều lệ Đoàn luật sư quy định”. Như vậy, quyền và nghĩa vụ của luật sư trong hành nghề được quy định tại Điều 15 của Pháp lệnh Luật sư, còn quyền và nghĩa vụ của luật sư với tư cách thành viên Đoàn luật sư do Điều lệ Đoàn luật sư quy định.
Theo quy định Điều 29 của Nghị định 94/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Luật sư thì thành viên của các Đoàn luật sư là các luật sư và được Ban chủ nhiệm cấp Thẻ luật sư theo mẫu thống nhất do Bộ Tư pháp phát hành. Thẻ luật sư là giấy chứng nhận tư cách thành viên Đoàn luật sư của người được cấp thẻ. Thủ tục cấp và sử dụng Thẻ luật sư do Điều lệ Đoàn luật sư quy định (Thông tư số 02/2002 TT/BTP ngày 22/1/2002 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Nghị định 94/2001/NĐ-CP).
Như vậy, Chứng chỉ hành nghề do Bộ Tư pháp cấp là giấy tờ xác nhận tư cách luật sư, là giấy chứng nhận của Nhà nước về quyền hành nghề luật sư của người được cấp Chứng chỉ. Thẻ luật sư là giấy chứng nhận tư cách thành viên Đoàn luật sư của người được cấp Thẻ.
Tóm lại, theo quy định của Pháp lệnh Luật sư năm 2001 thì luật sư là người có đủ tiêu chuẩn luật sư và được Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Chứng chỉ hành nghề luật sư là giấy tờ chứng minh một người là luật sư và luật sư sử dụng khi hành nghề. Thành viên Đoàn luật sư là các luật sư được Ban chủ nhiệm cấp Thẻ luật sư. Thẻ luật sư được sử dụng trong sinh hoạt Đoàn luật sư. Pháp lệnh Luật sư quy định tương đối rõ địa vị pháp lý của người được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và người được cấp Thẻ luật sư.
Khái niệm luật sư vẫn tiếp tục được quy định tại Điều 2 của Luật Luật sư và cụ thể như sau: “Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng).
Tiêu chuẩn luật sư là một điểm mới của Luật Luật sư. Điều 10 Luật Luật sư quy định về tiêu chuẩn luật sư như sau: “Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư”.
Về điều kiện hành nghề luật sư, nếu như Pháp lệnh Luật sư năm 2001 (Điều 7) quy định: “Người muốn hành nghề luật sư phải gia nhập một Đoàn luật sư và có Chứng chỉ hành nghề luật sư” thì nay Luật Luật sư (Điều 11) quy định một chu trình ngược lại là: “Muốn hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư”.
Theo quy định của Luật Luật sư năm 2006, về khái niệm luật sư có nhiều cách hiểu khác nhau và có thể chia thành ba quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, theo quy định của Điều 2 Luật Luật sư thì có thể hiểu luật sư là người có Chứng chỉ hành nghề luật sư và Thẻ luật sư, nhưng phải thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của khách hàng.
Quan điểm thứ hai cho rằng, khái niệm luật sư và điều kiện hành nghề luật sư có nội dung trùng nhau và đề nghị quy định khái niệm luật sư theo hướng luật sư là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và được cơ quan nhà nước cấp Chứng chỉ hành nghề. Tham gia vào Đoàn luật sư hay không là quyền của luật sư. Đoàn luật sư là tổ chức xã hội nghề nghiệp, do đó việc tham gia Đoàn luật sư là tự nguyện. Khi luật sư đủ tiêu chuẩn theo luật định, được cơ quan nhà nước cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư thì có quyền hành nghề và đăng ký hoạt động mà không nhất thiết phải có một điều kiện nữa là gia nhập một Đoàn luật sư. Theo quan điểm này thì luật sư là người đủ tiêu chuẩn theo quy định của Điều 10 Luật Luật sư và được Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Quan điểm thứ ba cho rằng, một người được công nhận là luật sư khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề luật sư, cụ thể là được cấp Chứng chỉ hành nghề và Thẻ luật sư, do đó khi một người được cấp Chứng chỉ hành nghề thì chưa phải là luật sư.
Như vậy, Luật Luật sư đưa ra quy định về khái niệm luật sư (Điều 2 Luật Luật sư), tiêu chuẩn luật sư (Điều 10 Luật Luật sư) và điều kiện hành nghề luật sư (Điều 11 Luật Luật sư), nhưng lại không xác định cơ quan hay tổ chức nào có thẩm quyền công nhận một người là luật sư, cũng như thời điểm nào một người được công nhận là luật sư và giấy tờ gì chứng minh một người là luật sư.
Theo quan điểm thứ nhất, thì có thể dù có Chứng chỉ hành nghề luật sư và Thẻ luật sư thì không được gọi là luật sư. Chỉ được gọi là luật sư khi một người có Chứng chỉ hành nghề luật sư, Thẻ luật sư và cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Thực tế hiện nay, có một số người có Chứng chỉ hành nghề luật sư và Thẻ luật sư, nhưng họ không hành nghề trong Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật hoặc hành nghề với tư cách cá nhân, thì không thể nói rằng, họ không phải là luật sư. Với nội dung quy định của Điều 2 Luật Luật sư thì tên điều này phải là “Hành nghề luật sư” hay “Hoạt động luật sư” mới đúng. Trong một số đạo luật như Luật Công chứng, Luật Trợ giúp pháp lý hoặc dự thảo Luật Giám định tư pháp có quy định một điều luật về hoạt động và một điều luật về tiêu chuẩn (khái niệm) ví dụ như Điều 2 “Công chứng” và Điều 7 “Công chứng viên” của Luật Công chứng, Điều 3 “Trợ giúp pháp lý” và Điều 21 “Trợ giúp viên pháp lý” của Luật Trợ giúp pháp lý, Điều 1 “Giám định tư pháp” và Điều 8 “Giám định viên tư pháp” của dự thảo Luật Giám định tư pháp.
Theo quan điểm thứ hai, thì có thể hiểu luật sư là người có đủ tiêu chuẩn luật sư và được Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Kể từ thời điểm có Chứng chỉ hành nghề luật sư, thì người có Chứng chỉ hành nghề luật sư được gọi là luật sư. Tuy nhiên, trong Luật Luật sư không có một quy định nào xác nhận người có Chứng chỉ hành nghề luật sư là luật sư. Nếu như Pháp lệnh Luật sư quy định trong hồ sơ đăng ký hoạt động của Văn phòng luật sư, Công ty luật chỉ yêu cầu bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư (Điều 20), thì nay theo quy định của Luật Luật sư, ngoài bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư, còn yêu cầu cả bản sao Thẻ luật sư (Điều 35).
Theo quan điểm thứ ba, thì luật sư là người có đủ điều kiện hành nghề luật sư, có nghĩa là được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và Thẻ luật sư thì mới được gọi là luật sư. Và như vậy giấy tờ xác nhận một người là luật sư là Thẻ luật sư, bởi vì, phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư thì mới được gia nhập Đoàn luật sư và mới được cấp Thẻ luật sư. Tuy nhiên, trong Luật Luật sư cũng không có một quy định nào xác định thời điểm một người là luật sư khi có Thẻ luật sư, mà chỉ có quy định thành viên Đoàn luật sư là các luật sư (Điều 60 Luật Luật sư).
Từ góc nhìn khác, một vấn đề đặt ra là luật sư có trước hay Đoàn luật sư có trước. Nếu theo quan điểm luật sư là người có Chứng chỉ hành nghề luật sư và có trước Đoàn luật sư. Điều này cũng phù hợp với Điều 60 Luật Luật sư quy định: “Tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi có từ ba người có Chứng chỉ hành nghề luật sư trở lên thì được thành lập Đoàn luật sư. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép thành lập Đoàn luật sư sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tư pháp”. Điều 32 Pháp lệnh Luật sư còn quy định rõ hơn như sau: “Tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khi có từ ba luật sư trở lên thì được thành lập Đoàn luật sư”.
Nếu theo quan điểm Đoàn luật sư có trước và muốn trở thành luật sư phải gia nhập Đoàn luật sư. Với cách hiểu này sẽ mâu thuẫn với khoản 2 Điều 60 Luật Luật sư là khi có từ 3 người có Chứng chỉ hành nghề trở lên thì được thành lập Đoàn luật sư. Như vậy, sau khi thành lập xong Đoàn luật sư thì những người có Chứng chỉ hành nghề này đã là luật sư chưa và nếu chưa thì họ phải làm thủ tục gia nhập Đoàn luật sư. Vậy ai sẽ là làm thủ tục đăng ký gia nhập Đoàn luật sư cho họ. Thời điểm này Đoàn luật sư chưa có luật sư. Hay là những người sáng lập viên này (người có Chứng chỉ hành nghề luật sư) đương nhiên trở thành luật sư mà không cần làm thủ tục gia nhập Đoàn luật sư? Quy định này cũng tương tự như quy định về việc thành lập Đoàn luật sư của Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987.
Hiện nay có một tình trạng là số người được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư nhiều hơn số người được cấp Thẻ luật sư, bởi vì có nhiều người đã được Bộ tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, nhưng không gia nhập Đoàn luật sư vì nhiều lý do khác nhau. Những người này tuy có đủ tiêu chuẩn luật sư, đủ khả năng hành nghề luật sư, nhưng lại chưa được mang danh luật sư và chưa được công nhận là luật sư, vì chưa gia nhập Đoàn luật sư.
Related articles 02:
1. https://docluat.vn/archive/3068/
2. https://docluat.vn/archive/2636/
3. https://docluat.vn/archive/1920/
Chúng tôi đồng ý với quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Thảo cho rằng, “ý nghĩa của “Chứng chỉ hành nghề luật sư” là không rõ ràng và có điểm chưa hợp lý, cụ thể là: “Về hình thức, tên gọi “Chứng chỉ hành nghề luật sư’’ là chưa chính xác, bởi vì xét về ngữ nghĩa thì người được cấp chứng chỉ này phải được phép hành nghề luật sư; tuy nhiên theo quy định của Luật Luật sư, thì Chứng chỉ hành nghề luật sư chỉ là một trong những điều kiện để được phép hành nghề luật sư; khi đã có Chứng chỉ hành nghề luật sư còn phải gia nhập Đoàn luật sư và được Liên đoàn luật sư cấp Thẻ luật sư thì mới được phép hành nghề luật sư”(1).
Về Thẻ luật sư, luật sư Nguyễn Văn Thảo cho rằng: “Thẻ luật sư do Liên đoàn luật sư cấp vừa có ý nghĩa công nhận luật sư, vừa là giấy phép hành nghề luật sư, bởi vì chỉ khi một người đã được cấp Thẻ luật sư thì người đó mới được mang danh luật sư và được hành nghề luật sư; trong hoạt động hành nghề luật sư chỉ cần xuất trình Thẻ luật sư là đủ, mà không phải xuất trình Chứng chỉ hành nghề luật sư. Điều lệ Liên đoàn luật sư lại quy định Thẻ luật sư “là giấy chứng nhận tư cách thành viên của Đoàn luật sư và thành viên của Liên đoàn luật sư”. Như vậy, Thẻ luật sư vừa làm chức năng là thẻ hội viên, vừa có ý nghĩa là giấy tờ công nhận luật sư và cho phép hành nghề luật sư”(2).
Cần có sự phân biệt ý nghĩa của “Chứng chỉ hành nghề luật sư” với “Thẻ luật sư”. Chứng chỉ hành nghề luật sư là giấy tờ (văn bản của cơ quan nhà nước) cấp cho người có đủ tiêu chuẩn luật sư, công nhận tư cách luật sư của người được cấp Chứng chỉ. Còn Thẻ luật sư là thẻ hội viên, là giấy tờ xác nhận tư cách thành viên của Đoàn luật sư, thành viên của Liên đoàn luật sư, nó không thể là văn bản xác nhận tư cách, công nhận luật sư và lại càng không phải là giấy phép hành nghề luật sư. Thẻ luật sư chỉ có một chức năng duy nhất xác định tư cách thành viên Đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư. Vì vậy không thể nói rằng, Thẻ luật sư vừa có ý nghĩa công nhận luật sư, vừa là giấy phép hành nghề luật sư. Mặc dù Thẻ luật sư được cấp sau Chứng chỉ hành nghề luật sư, nhưng không vì thế nó phủ nhận giá trị của Chứng chỉ hành nghề luật sư. Một người có thể bị xóa tên khỏi Đoàn luật sư, nhưng không vì thế mà bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư. Ví dụ một người được tuyển dụng vào làm việc cho cơ quan nhà nước thì sẽ thôi không được làm luật sư. Trong trường hợp này có nên đặt vấn đề thu hồi Chứng chỉ hành nghề của họ hay không?
Theo chúng tôi, trên thế giới hầu như không có nước nào quy định muốn hành nghề luật sư phải qua hai giai đoạn là được công nhận là luật sư và được cấp phép hành nghề luật sư. Vì vậy, không nên đặt vấn đề là Bộ Tư pháp công nhận luật sư, còn Liên đoàn luật cấp phép hành nghề hoặc ngược lại là Liên đoàn luật công nhận luật sư, còn Bộ Tư pháp cấp phép hành nghề. Các nước trên thế giới quy định chỉ cần được cơ quan có thẩm quyền (Tòa án hoặc Bộ Tư pháp) công nhận là luật sư thì được phép (có quyền) hành nghề luật sư hoặc đăng ký gia nhập Đoàn luật sư là được phép (có quyền) hành nghề luật sư. Cần phải hiểu rằng có Chứng chỉ hành nghề luật sư là đồng nghĩa với việc được công nhận luật sư và có quyền hành nghề luật sư, mà không cần một cơ quan hoặc tổ chức nào cấp phép hành nghề luật sư. Điều này cũng phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về một số ngành nghề yêu cầu phải có Chứng chỉ hành nghề như kiểm toán, kế toán, khám chữa bệnh… hoặc phải được bổ nhiệm hoặc công nhận như công chứng viên, trợ giúp viên pháp lý, giám định viên… Vì vậy, không cần quy định thêm một điều kiện hành nghề là phải gia nhập một Đoàn luật sư (Điều 11 Luật Luật sư). Việc gia nhập Đoàn luật sư không nên xem là điều kiện hành nghề, mà cần xem đó là nghĩa vụ của luật sư khi hành nghề, nó cũng giống như nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư. Một số tiểu bang của Mỹ không quy định bắt buộc luật sư phải gia nhập Đoàn luật sư, Hội luật sư liên bang Mỹ mà xem đó là quyền của luật sư.
Liên quan đến vấn đề gia nhập Đoàn luật sư, một vấn đề đặt ra là tại sao Luật Luật sư lại không quy định luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không phải gia nhập Đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư Việt Nam. Khi hành nghề luật sư nước ngoài có phải tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam không?
Kết luận
Trong ngôn ngữ Việt Nam, chúng ta thường gặp thuật ngữ “hành nghề luật sư”, “nghề luật sư”. Thực ra như vậy không hoàn toàn chính xác về mặt ngôn ngữ, bởi vì “luật sư” là danh từ chỉ người, chứ không phải dùng để chỉ nghề. Theo thói quen trong việc sử dụng ngôn ngữ Việt Nam trong văn nói cũng như văn viết thì thuật ngữ “nghề luật sư” có thể chấp nhận được, cũng như thuật ngữ “nghề kiến trúc sư”, “nghề bác sĩ” hoặc “nghề giáo viên”… Trong tiếng Anh có thể dịch “lawyer” là luật sư và “practice of law” là hành nghề luật sư hoặc hành nghề luật. Tuy nhiên, thuật ngữ “nghề luật” và “hành nghề luật” thì sẽ được hiểu rộng hơn “nghề luật sư” và “hành nghề luật sư”, bởi vì, nghề thẩm phán, nghề công tố… cũng có thể được hiểu là nghề luật.
Theo chúng tôi, nên hiểu luật sư là danh từ chỉ người được công nhận là luật sư khi có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và hành nghề luật sư là việc luật sư được làm những việc theo chuyên môn, nghề nghiệp của mình đã được pháp luật quy định. Còn nghề luật sư là nói đến một nghề trong xã hội, nghề của những người được công nhận là luật sư. Nói đến nghề luật sư là nói đến cái chung, còn nói đến luật sư là nói đến cái cụ thể, đến con người cụ thể, đến chức danh cụ thể. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào pháp luật và tính truyền thống của từng nước mà khái niệm, tiêu chuẩn luật sư và điều kiện, phạm vi hành nghề luật sư, cũng như thủ tục, thẩm quyền công nhận luật sư được quy định khác nhau.
Vậy vấn đề được đặt ra là luật sư là ai và ai có thẩm quyền công nhận luật sư, giấy tờ gì chứng minh một người là luật sư, luật sư có trước hay Đoàn luật sư có trước? Theo chúng tôi, luật sư là người có đủ tiêu chuẩn luật sư và được công nhận luật sư. Khi được công nhận luật sư thì người đó có quyền hành nghề luật sư. Chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp là giấy tờ công nhận một người là luật sư.
Theo quy định của Luật Luật sư, thì Chứng chỉ hành nghề luật sư không phải giấy tờ công nhận luật sư và quyền hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề luật sư. Còn Thẻ luật sư theo quy định của Luật luật sư thì có thể hiểu có Thẻ luật sư thì mới được hành nghề luật sư, được mang danh luật sư. Thẻ luật sư còn có ý nghĩa xác nhận tư cách thành viên của Đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư. Tuy nhiên, muốn được cấp Thẻ luật sư thì phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư. Trong Luật Luật sư năm 2006 cũng không quy định rõ luật sư có trước hay Đoàn luật sư có truớc. Cần phân biệt khái niệm luật sư với tư cách là người hội đủ tiêu chuẩn luật sư được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Khi đã được công nhận là luật sư thì có quyền hành nghề luật sư. Còn khi tham gia Đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư thì với tư cách là thành viên của Đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư. Chức danh luật sư được công nhận có ý nghĩ gắn liền với nhân thân của người đó, cũng như nhiều chức danh nghề nghiệp khác trong xã hội. Luật sư chỉ bị tước chức danh luật sư bởi cơ quan có thẩm quyền đã công nhận nó, nếu luật sư không còn hội đủ các tiêu chuẩn luật sư.
Vì vậy, để giải quyết những bất hợp lý nêu trên, chúng tôi cho rằng, khái niệm luật sư cần được hiểu luật sư là người có Chứng chỉ hành nghề luật sư do cơ quan có thẩm quyền cấp. Người muốn được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư phải tham gia một kỳ thi cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Để được tham gia kỳ thi cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cần phải có các tiêu chuẩn sau đây: a) Có quốc tịch Việt Nam; b) Có bằng cử nhân luật; c) Có chứng nhận đào tạo nghề luật sư và qua thời gian tập sự hành nghề luật sư (việc đào tạo nghề và tập sự hành nghề luật sư có thể nhập lại thành một giai đoạn). Từ đó, chúng tôi đề xuất ba phương án sau đây về thủ tục và thẩm quyền công nhận luật sư:
Phương án thứ nhất, Bộ Tư pháp tổ chức kỳ thi và cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Những người được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư được công nhận là luật sư. Đối với luật sư muốn hành nghề trong các Văn phòng luật sư, Công ty luật (hành nghề tự do) có nghĩa vụ đăng ký gia nhập Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư. Đối với luật sư làm việc cho các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, doanh nghiệp (in house lawyer) thì không bắt buộc phải gia nhập Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư.
Phương án thứ hai, Liên đoàn luật sư tổ chức kỳ thi (bar examination) và Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Đối với luật sư muốn hành nghề trong các Văn phòng luật sư, Công ty luật (hành nghề tự do) có nghĩa vụ đăng ký gia nhập Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư. Đối với luật sư làm việc cho các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, doanh nghiệp (in house lawyer) thì không bắt buộc phải gia nhập Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư.
Phương án thứ ba, Nhà nước có thể giao cho Liên đoàn luật sư tổ chức kỳ thi và cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Đối với luật sư muốn hành nghề trong các Văn phòng luật sư, Công ty luật (hành nghề tự do) có nghĩa vụ đăng ký gia nhập Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư. Đối với luật sư làm việc cho các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, doanh nghiệp (in house lawyer) thì không bắt buộc phải gia nhập Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư.
Các phương án trên chỉ khác nhau về thủ tục và thẩm quyền công nhận luật sư. Tuy nhiên, nó sẽ giải quyết được những câu hỏi: a) Luật sư là ai (luật sư là người có Chứng chỉ hành nghề luật sư); b) Ai có thẩm quyền công nhận luật sư (Bộ Tư pháp hoặc Liên đoàn luật sư có thẩm quyền công nhận luật sư); c) Giấy tờ gì chứng minh một người là luật sư (Chứng chỉ hành nghề luật sư), còn Thẻ luật sư chỉ là giấy tờ (thẻ hội viên) chứng minh tư cách thành viên Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư. Đồng thời, nó cũng trả lời cho câu hỏi luật sư có trước hay Đoàn luật sư có trước, và tất nhiên là luật sư có trước Đoàn luật sư. Điều này cũng tương tự như nghề công chứng là sau khi được bổ nhiệm công chứng viên, thì công chứng viên có quyền hành nghề và thành lập hội công chứng. Với quy định như vậy, sẽ làm tăng số lượng luật sư, bởi vì sẽ có một số lượng không nhỏ những người có Chứng chỉ hành nghề luật sư đang và sẽ làm cho cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, mà theo quy định của Luật Luật sư họ chưa được công nhận là luật sư vì họ không tham gia Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư vì những lý do khác nhau. Thực tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới cũng quy định theo hướng này, có nghĩa là chỉ những luật sư hành nghề trong các Văn phòng luật sư, Công ty luật (hành nghề tự do) mới tham gia Đoàn luật sư.
Trên đây là những suy nghĩ của chúng tôi về khái niệm luật sư và thẩm quyền công nhận luật sư. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.
Tài liệu tham khảo
(1). http://liendoanluatsu.org.vn – Nguyễn Văn Thảo “Tìm một quy trình hợp lý cho việc công nhận luật sư, cấp phép hành nghề luật sư khi sửa đổi Luật Luật sư”;
(2). http://liendoanluatsu.org.vn – Nguyễn Văn Thảo “Tìm một quy trình hợp lý cho việc công nhận luật sư, cấp phép hành nghề luật sư khi sửa đổi Luật Luật sư”.
Theo moj.gov.vn