Các giá trị của Luật tục ở Tây nguyên
Gs.Ts. Ngô Đức Thịnh
Có thể đưa một định nghĩa về Luật tục như sau: Đó là
một hình thức của tri thức bản địa, tri thức địa phương, được hình thành trong
quá trình lịch sử lâu dài, qua kinh nghiệm ứng xử với môi trường và ứng xử xã
hội, đã được định hình dưới nhiều dạng thức khác nhau, được truyền từ đời này
sang đời khác qua trí nhớ, qua thực hành sản xuất và thực hành xã hội. Nó hướng
đến việc hướng dẫn, điều chỉnh và điều hoà các quan hệ xã hội, quan hệ con
người với môi trường thiên nhiên. Những chuẩn mực ấy của luật tục được cả cộng
đồng thừa nhận và thực hiện, tạo nên sự thống nhất và cân bằng xã hội của mỗi
cộng đồng.
Ở mỗi dân tộc có tên gọi luật tục riêng, ví như Hương
ước (Việt), Hịt khỏng (Thái), Phat kđi (Êđê), Phat Ktuôi (M’nông), N’ri (Mạ)…
Một điều dễ nhận biết là Luật tục vừa mang một số yếu
tố của Luật pháp, như quy định các hành vi phạm tội, các tội phạm, bằng chứng,
việc xét xử và hình phạt …, lại vừa mang tính chất của lệ tục, phong tục, như
các quy ước, lời răn dạy, khuyên răn mang tính đạo đức, hướng dẫn hành vi cá
nhân, tạo dư luận xã hội để điều chỉnh các hành vi ấy. Như vậy, Luật tục như là
hình thức phát triển cao của phong tục, tục lệ và là hình thức phát triển sơ
khai, hình thức tiền luật pháp.
Với sự hiểu biết hiện nay, có thể phân chia các luật
tục của các dân tộc ở Việt Nam
theo các dạng tồn tại khác nhau:
– Luật tục được cố định dướng dạng lời nói vần (văn
vần) được truyền miệng từ đời này sang đời khác, ví dụ như; Luật tục Êđê,
M’nông, Mạ, Stiêng, Bana, Giarai.
– Luật tục đã được cố định và ghi chép bằng văn tự, đó
là hương ước của người Việt, Hịt khỏng bản mường của người Thái, lệ tục của
người Chăm.
– Luật tục hay Lệ tục đã tương đối định hình, những
chưa cố định thành lời văn vần hay thành văn bản, mà vẫn chỉ là sự ghi nhớ và
thực thi của cộng đồng. Loại này phổ biến ở hầu hết các tộc người, rất khó phân
biệt nó với phong tục và lệ tục cổ truyền.
Dù tồn tại dưới hình thức nào thì hiện nay luật tục của
các dân tộc cũng đang đứng trước sự mai một, phá hoại bởi thời gian và con
người.
Nhiều cuốn luật tục (Hịt khỏng) của người Thái bị đốt
hay mất mát, thất lạc; nhiều bộ luật truyền miệng của các dân tộc Tây Nguyên bị
quên lãng, thất truyền. Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là phải cứu lấy di sản
quý báu đó.
Tuỳ theo các tộc người, nội dung luật tục đề cập tới
nhiều khía cạnh rộng hẹp khác nhau, như các quan hệ xã hội, quan hệ kinh tế,
phong tục – nghi lễ, an ninh xã hội, quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên
thiên nhiên … Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi đề cập tới khía cạnh, giá
trị Luật tục của các tộc người ở Tây Nguyên.
1. Là một tấm gương phản chiếu sát thực xã hội tộc
người, do vậy là nguồn tư liệu gốc, quý hiếm để nghiên cứu tộc người
Related articles 01:
1. https://docluat.vn/archive/1148/
2. https://docluat.vn/archive/989/
3. https://docluat.vn/archive/1122/
Luật tục đề cập đến hầu hết các lĩnh vực khác nhau của
đời sống tộc người, từ môi trường thiên nhiên, việc bảo vệ môi trường đến sản
xuất, quan hệ sở hữu, tổ chức và quan hệ xã hội, hôn nhân và gia đình, tín
ngưỡng và phong tục, lễ nghi … Đó là các chuẩn mực ứng xử đã được hình thành
và định hình trong quá trình lịch sử lâu dài của tộc người, nó được mọi người
chấp nhận và tự giác tuân theo như một thói quen, một tập quán. Nó không như
luật pháp nhà nước phong kiến chế định, luật pháp đó nhiều khi mang tính áp đặt
đối với làng xã, để nhiều khi luật pháp với lệ làng có độ chênh theo kiểu phép
vua thue lệ làng. Trong khi đó, luật tục phản ánh sát thực xã hội các tộc người.
a) Trước nhất, luật tục phản ánh môi trường sinh tồn
cũng như toàn bộ đời sống kinh tế của họ. ở đó, mỗi tộc người từ bao đời nay
sinh tồn và phát triển. Rừng là nguồn tài nguyên nuôi sống con người và được
con người trân trọng, bảo vệ. Luật tục có các điều luật quy định việc chặt phá
rừng, bán đất rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ rừng thiêng, tôn trọng không
được xúc phạm tới thần linh, các phong tục tập quán và lễ nghi liên quan tới
rừng núi. Bởi vậy, ngày nay, từ góc độ môi trường và văn hoá muốn phát triển
dân tộc, phát huy được nền văn hoá cổ truyền của dân tộc phải bắt đầu từ vấn đề
cơ bản nhất, đó là môi trường sinh tồn của tộc người ấy.
Bản luật tục của dân tộc Êđê, M’nông, Giarai … có
những điều luật rất cụ thể quy định về đất rừng, đất rẫy, tập tục làm rẫy, tục
lệ trồng trỉa, các hoạt động săn bắt thú rừng, đánh cá, tín ngưỡng lễ nghi liên
quan tới việc làm rẫy … chính cơ sở kinh tế nương rẫy này đã quy định toàn bộ
đời sống xã hội và văn hoá của tộc người mà luật tục đã phản ánh một cách sinh
động.
b) Cơ cấu xã hội cơ bản các tộc người ở Tây Nguyên là
làng (Plây, buôn, bon) do vậy làng bon là khung xã hội cơ bản cho việc hình
thành và vận hành của luật tục. Trong luật tục, từ các quy định thưởng phạt,
các lời khuyên răn … đều gắn liền với phạm vi và cơ cấu tổ chức làng bon. Và
hình phạt nặng nhất đối với kẻ phạm tội là đuổi ra khỏi cộng đồng làng bon.
Trong làng bon, người thủ lĩnh và quan hệ giữa thủ lĩnh
với làng bon là nhân tố quyết định sự tồn tại và ổn định của cộng đồng. Đó
không phải là mối quan hệ giữa kẻ thống trị với những người bị trị như ở xã hội
có giai cấp, mà là quan hệ tôn trọng, ràng buộc bởi quyền lợi và trách nhiệm
giữa cộng đồng và thủ lĩnh của họ. Thủ lĩnh ở đây phải là người có đức độ và
tài năng, được cả cộng đồng tôn trọng, bảo vệ, giúp đỡ, người đó phải chịu sự
ràng buộc và có nghĩa vụ với các thành viên của làng bon, thậm chí làm những
điều sai trái có thể bị cộng đồng trừng phạt theo luật tục. Đây là nét đẹp
truyền thống mà chúng ta có thể học hỏi trong việc xây dựng quy chế dân chủ ở
cơ sở, các quan hệ giữa người cán bộ lãnh đạo với nhân dân hiện nay.
c) Quan hệ xã hội cơ bản của làng bon là quan hệ cộng
đồng. Cộng đồng ở đây với nhiều phạm vi và mức độ khác nhau nhưng chúng không
hề đối lập nhau. Trong phạm vi nhỏ là cộng đồng gia tộc, mà ở các tộc người Tây
Nguyên còn tồn tại tàn dư của gia tộc lớn mẫu hệ. Ngôi nhà dài với các căn
phòng có kho lúa và bếp lửa cho từng đôi vợ chồng. Rộng hơn và cơ bản hơn đó là
cộng đồng làng bon đan kết giữa quan hệ huyết thống và quan hệ láng giềng.
Nếu nói luật tục là hệ thống các quy ước nhằm điều
chỉnh các quan hệ xã hội, thì hệ thống đó thấm đậm ý thức cộng đồng, chi phối
toàn bộ các lĩnh vực xã hội, các mối quan hệ xã hội khác nhau. Có thể nói cộng
đồng, ý thức cộng đồng là cái gì đó rất tự nhiên, là lẽ phải, là quy luật, ai
đó làm gì trái với ý thức cộng đồng sẽ bị cộng đồng hoặc là khuyên răn, giáo
dục hoặc trừng phạt.
Ý thức cộng đồng không chỉ thể hiện ở các điều trong
chương nói về quan hệ cộng đồng, mà ở những mức độ khác nhau nó còn thể hiện ở
các phần nói về quan hệ với thủ lĩnh, về phong tục tập quán, về sở hữu, về vi
phạm thân thể, về hôn nhân và gia đình… Đó là quan hệ một vì tất cả và tất cả
vì một, là quan hệ bình đẳng, tương trợ, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Đó là điều
kiện đưa tới cho mọi người trong cộng đồng tư tưởng bình quân. ý thức cộng
đồng, tư tưởng bình quân đó là một truyền thống, vừa là sức mạnh, động lực,
nưhng mặt nào đó cũng là cái cản trở, hạn chế sự phát triển hiện nay.
d) Quan hệ cộng đồng của làng bon hình thành trên cơ sở
một nền sản xuất nương rẫy còn ở trình độ lạc hậu trong môi trường tự nhiên là
rừng núi hoang sơ, trên cơ sở xã hội mà công hữu về tư liệu sản xuất còn là
quan hệ thống thị, xã hội đó chưa có sự phân hoá giai cấp, chưa có sự áp bức –
bóc lột giữa người và người. Trong luật tục cũng như trong xã hội các tộc người
Tây Nguyên thường nhắc tới một loại người là Dik. Một lần nữa xin nhắc lại
rằng, Dik không phải là “nô lệ” như khái niệm của xã hội có giai cấp, mà đó chỉ
là “con ở” trong một số gia đình khá giả, được người chủ đối xử khá tử tế như
con cháu trong gia đình. Việc buôn bán Dik đã được luật tục ngăn cấm, coi như
là một tội lỗi.
e) Trình độ sản xuất và sự phát triển xã hội như vậy đã
quyết định trình độ tư duy của người Tây Nguyên. Đó là tư duy cụ thể, kinh
nghiệm và mang màu sắc thần bí. Trong luật tục, các phạm trù cái thiện – ác,
đúng – sai đều được quy về một cái gì đó rất cụ thể.
Mầu sắc thần bí trong tư duy là nét nổi trội đối với
các tộc người còn ở trình độ phát triển thấp. Trong luật tục, mọi tội lỗi đều
quy về việc xúc phạm với thần linh, khiến thần linh tức giận mà gây tai hoạ cho
cộng đồng. Do vậy, trong việc xử kiện, từ hình thức nhẹ tới hình thức nặng đều
có nghi lễ “rửa tội” để tẩy sạch tội lỗi, tạ lỗi với thần linh. Thậm chí, đối
với một số lĩnh vực để phân biệt đúng sai, người ta phải mượn tới phương pháp
thần bí, mê tín.
Luật tục còn cung cấp cho người đọc bức tranh văn hoá
dân tộc người khá độc đáo và đa dạng. Hiếm có một luật tục hay tập quán pháp
nào lại quy định tỉ mỉ những tập quán về làm rẫy, trồng trỉa, về chăn nuôi gia
súc, săn bắn, đánh cá, tục lệ ăn uống, mặc, trang sức … Đây là những tư liệu
quý để nghiên cứu bản sắc và sắc thái văn hoá tộc người.
2. Luật tục là di sản văn hoá tộc người
Ngoài giá trị tư liệu để nghiên cứu xã hội tộc người,
luật tục Tây Nguyên còn có giá trị về văn hoá. Có thể nói rằng, cùng với sử
thi, luật tục là di sản văn hoá quý báu và độc đáo của các tộc người Tây Nguyên
đóng góp vào di sản chung của văn hoá các dân tộc Việt Nam và thế giới.
Related articles 02:
1. https://docluat.vn/archive/957/
2. https://docluat.vn/archive/1148/
3. https://docluat.vn/archive/935/
Trước hết, luật tục thật sự là một tác phẩm văn học dân
gian truyền miệng có giá trị về nội dung và nghệ thuật.
Với việc sưu tầm bước đầu hiện nay, luật tục M’nông ở
Đắc Nông có 215 điều với khoảng 7.000 câu. Luật tục Êđê gồm 236 điều với khoảng
trên dưới 8.000 câu. Xét riêng về khối lượng, đây là một tác phẩm thuộc loại
lớn, nhất là với một tác phẩm truyền miệng dân gian. Đây mới chỉ là điều tra
bước đầu, trong tương lai nếu có điều kiện bổ sung thì độ dài của luật tục chắc
chắn sẽ tăng lên, nội dung sẽ phong phú hơn.
Luật tục diễn đạt theo thể văn vần, số chữ trong một
câu không tuân theo quy luật nhất định. Cấu tạo vần theo kiểu vần cuối câu
trước hợp vần với chữ đầu hay vần lưng của câu sau. Trong luật tục cũng như
trong sử thi, người ta hay sử dụng hình thức lời nói vần có nét nào đó giống
như thành ngữ và tục ngữ của người Việt. Nói cách khác, đó là thứ ngôn từ nằm
giữa ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ thơ ca. Lời nói vần đã lưu tích được trong
nó tri thức và trí tuệ của dân chúng.
Ngôn ngữ trong luật tục là ngôn ngữ giầu hình tượng. Họ
mượn cái hình tượng của đời sống hàng ngày, của tự nhiên và của xã hội để diễn
đạt các quan niệm mang tính luật pháp. Thí dụ, để nói tính khách quan của người
xử kiện, luật tục M’nông mượn hình ảnh:
“Hai bên hòn đá, cá trê đứng giữa
Hai bên cây lúa, cây nêu đứng giữa,
Bên gió, bên
bão, chiếc diều đứng giữa”
Cho đến nay, chúng ta chưa có thể trả lời dứt khoát
luật tục Tây Nguyên hình thành và định hình vào thời kỳ nào. Tuy nhiên, một tác
phẩm văn học truyền miệng được phát hiện, trong đó chứa đựng nội dung và các
tri thức đa dạng về đời sống xã hội tộc người, các hình thức tư duy và ngôn ngữ
biểu đạt mang sắc thái độc đáo …, xứng đáng là một di sản quý của nền văn hoá
tộc người mà ngày nay chúng ta có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy nhằm phục vụ cho
sự nghiệp phát triển dân tộc theo hướng hiện đại hoá.
3. Luật tục là một kho tàng tri thức dân gian phong phú
Có thể nói, luật tục như bộ sách bách khoa về mọi mặt
của đời sống tộc người, chứa đựng những tri thức dân gian vô cùng phong phú,
đúc rút ra từ kinh nghiệm sống của nhiều thế hệ. Đó là những tri thức về môi
trường tự nhiên, tri thức về sản xuất nương rẫy, hái lượm, săn bắt, đánh cá,
tri thức về xã hội và ứng xử giữa người với người, tri thức về đời sống văn
hoá, nghi lễ, phong tục về quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên…
Những tri thức này đã định hình và trở thành các nguyên tắc sống, lẽ sống của
con người trong cộng đồng.
Trước nhất, luật tục là tri thức về quản lý cộng đồng
của bon làng. Đó là tri thức về sự kết hợp giữa quản lý và tự quản, kết hợp
giữa giáo dục và trừng phạt, kết hợp giữa ý thức cá nhân và dự luận xã hội, kết
hợp giữa các nguyên tắc của tập quán pháp – một hình thức của luật pháp sơ khai
– với các quan niệm về tâm linh, tín ngưỡng để giải quyết các xung đột xã
hội… Đó là vốn tri thức quý báu của ông cha đã tích luỹ và truyền lại để ngày
nay chúng ta có thể học hỏi, vận dụng.
Luật tục còn chứa đựng những tri thức về quản lý và sử
dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua việc luật tục xác định các quan hệ
sở hữu của cộng động và cá nhân đối với các tài nguyên thiên nhiên, thông qua
việc “thiêng hoá” những tài nguyên, thông qua việc nêu ra các điều luật cụ thể
ngăn chặn các hành động phá hoại tài nguyên …