1.1 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh1.2 Điều 2. Giải thích từ ngữ1.3 Điều 3. Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo1.4 Điều 4. Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo1.5 Điều 5. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo1.6 Điều 6. Hợp đồng dịch vụ quảng cáo1.7 Điều 7. Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo1.8 Điều 8. Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo1.9 Điều 9. Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo1.10 Điều 10. Tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo1.11 Điều 11. Xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo
2.1 Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo2.2 Điều 13. Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo2.3 Điều 14. Quyền và nghĩa vụ của người phát hành quảng cáo2.4 Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của người cho thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo2.5 Điều 16. Quyền và nghĩa vụ của người tiếp nhận quảng cáo
4 Mục 1. PHƯƠNG TIỆN QUẢNG CÁO; YÊU CẦU VỀ NỘI DUNG, ĐIỀU KIỆN QUẢNG CÁO
4.1 Điều 17. Phương tiện quảng cáo4.2 Điều 18. Tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo4.3 Điều 19. Yêu cầu đối với nội dung quảng cáo4.4 Điều 20. Điều kiện quảng cáo
5.1 Điều 21. Quảng cáo trên báo in5.2 Điều 22. Quảng cáo trên báo nói, báo hình5.3 Điều 23. Quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử5.4 Điều 24. Quảng cáo trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác
6.1 Điều 25. Quảng cáo trên các sản phẩm in6.2 Điều 26. Quảng cáo trong bản ghi âm, ghi hình
7.1 Điều 27. Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn7.2 Điều 28. Quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo7.3 Điều 29. Hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn7.4 Điều 30. Trình tự thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn7.5 Điều 31. Cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo7.6 Điều 32. Quảng cáo trên phương tiện giao thông7.7 Điều 33. Quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương tự7.8 Điều 34. Biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh
8.1 Điều 35. Quảng cáo trong chương trình văn hoá, thể thao8.2 Điều 36. Đoàn người thực hiện quảng cáo, hội thảo, hội nghị, hội chợ, triển lãm, tổ chức sự kiện, vật thể quảng cáo
9.1 Điều 37. Nội dung và nguyên tắc quy hoạch quảng cáo ngoài trời9.2 Điều 38. Trách nhiệm xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời
10.1 Điều 39. Quảng cáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam10.2 Điều 40. Hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong hoạt động quảng cáo10.3 Điều 41. Văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam
11.1 Điều 42. Hiệu lực thi hành11.2 Điều 43. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
TƯ VẤN & DỊCH VỤ |
LUẬT QUẢNG CÁO 16/2012/QH13
ngày 21 tháng 6 năm 2012
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị
quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật Quảng cáo.
Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Luật này quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa
vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt
động quảng cáo.
2. Các thông tin cổ động, tuyên truyền chính trị không thuộc
phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm
giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản
phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm,
hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông
tin cá nhân.
2. Dịch vụ có mục đích sinh lợi là dịch vụ nhằm tạo
ra lợi nhuận cho tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ; dịch vụ không có mục đích
sinh lợi là dịch vụ vì lợi ích của xã hội không nhằm tạo ra lợi nhuận cho tổ
chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.
3. Sản phẩm quảng cáo bao gồm nội dung và hình thức
quảng cáo được thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu
tượng, màu sắc, ánh sáng và các hình thức tương tự.
4. Xúc tiến quảng cáo là hoạt động tìm kiếm, thúc đẩy
cơ hội ký kết hợp đồng dịch vụ quảng cáo.
5. Người quảng cáo là tổ chức, cá nhân có yêu cầu
quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình hoặc bản thân tổ chức, cá nhân
đó.
6. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo là tổ chức, cá
nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình quảng cáo
theo hợp đồng cung ứng dịch vụ quảng cáo với người quảng cáo.
7. Người phát hành quảng cáo là tổ chức, cá nhân dùng
phương tiện quảng cáo thuộc trách nhiệm quản lý của mình giới thiệu sản phẩm
quảng cáo đến công chúng, bao gồm cơ quan báo chí, nhà xuất bản, chủ trang
thông tin điện tử, người tổ chức chương trình văn hóa, thể thao và tổ chức, cá
nhân sử dụng phương tiện quảng cáo khác.
8. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực
tiếp đưa các sản phẩm quảng cáo đến công chúng hoặc thể hiện sản phẩm quảng cáo
trên người thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương
tự.
9. Người tiếp nhận quảng cáo là người tiếp nhận thông
tin từ sản phẩm quảng cáo thông qua phương tiện quảng cáo.
10. Thời lượng quảng cáo là thời gian phát sóng các
sản phẩm quảng cáo trong một kênh, chương trình phát thanh, truyền hình; thời
gian quảng cáo trong tổng thời gian của một chương trình văn hoá, thể thao;
thời gian quảng cáo trong một bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ
khác.
11. Diện tích quảng cáo là phần thể hiện các sản phẩm
quảng cáo trên mặt báo in, báo hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử, xuất
bản phẩm, bảng quảng cáo, phương tiện giao thông hoặc trên các phương tiện
quảng cáo tương tự.
12. Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là sản phẩm,
hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường.
13. Màn hình chuyên quảng cáo là phương tiện quảng
cáo sử dụng công nghệ điện tử để truyền tải các sản phẩm quảng cáo, bao gồm màn
hình LED, LCD và các hình thức tương tự.
Điều 3. Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo
1. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
trong hoạt động quảng cáo.
2. Tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân phát triển các loại
hình quảng cáo, nâng cao chất lượng quảng cáo.
3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng khoa
học và công nghệ hiện đại vào việc thiết kế, xây dựng sản phẩm quảng cáo, đầu
tư có hiệu quả vào quảng cáo.
4. Tạo điều kiện và khuyến khích phát triển nguồn nhân lực
cho hoạt động quảng cáo; ưu tiên đầu tư đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán
bộ, công chức thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
5. Mở rộng hợp tác quốc tế về hoạt động quảng cáo.
Điều 4. Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo
1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp
luật về hoạt động quảng cáo.
2. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế
hoạch, chính sách phát triển hoạt động quảng cáo.
3. Phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động quảng cáo.
4. Chỉ đạo hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công
nghệ trong hoạt động quảng cáo.
5. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng
nhân lực cho hoạt động quảng cáo.
6. Tổ chức thực hiện công tác khen thưởng trong hoạt động
quảng cáo.
7. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quảng cáo.
8. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử
lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo.
Điều 5. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động quảng
cáo.
2. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước
Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn
của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện
quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
4. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về
hoạt động quảng cáo trong phạm vi địa phương theo thẩm quyền.
Điều 6. Hợp đồng dịch vụ quảng cáo
Việc hợp tác giữa các chủ thể trong hoạt động quảng cáo phải
thông qua hợp đồng dịch vụ quảng cáo theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo
1. Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp
luật.
2. Thuốc lá.
3. Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.
4. Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng
tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và
vú ngậm nhân tạo.
5. Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà
nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của
thầy thuốc.
6. Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.
7. Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản
phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.
8. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do
Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.
Điều 8. Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo
1. Quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quy định tại
Điều 7 của Luật này.
2. Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc
lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng.
3. Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử,
văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
4. Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an
toàn giao thông, an toàn xã hội.
5. Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với
Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh
tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
6. Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng
tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết
tật.
7. Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ
chức, cá nhân.
8. Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá
nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
9. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh
doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh
doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng,
kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời
hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
10. Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực
tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của
mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng
loại của tổ chức, cá nhân khác.
11. Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt
nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp
chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
12. Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo
quy định của pháp luật về cạnh tranh.
13. Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
14. Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động
trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn
hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.
15. Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo
hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn.
16. Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện,
trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.
Điều 9. Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo
1. Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo là tổ chức tư vấn
trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giúp Bộ trưởng xem xét và đưa ra
kết luận về sự phù hợp của sản phẩm quảng cáo với quy định của pháp luật trong
trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.
2. Thành phần của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo bao
gồm đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện của tổ chức nghề nghiệp
về quảng cáo và các chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan.
3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tổ
chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo.
Điều 10. Tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo
1. Tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo được thành lập và hoạt
động theo quy định của pháp luật về hội.
2. Tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo có nhiệm vụ, quyền hạn
sau đây:
a) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên;
b) Xây dựng bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo trình Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt; tổ chức thực hiện bộ quy tắc ứng xử
nghề nghiệp quảng cáo;
c) Tham gia ý kiến xây dựng chiến lược, kế hoạch, chính sách
phát triển hoạt động quảng cáo; các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy
chuẩn kỹ thuật về quảng cáo và quy hoạch quảng cáo ngoài trời;
d) Đề cử đại diện và giới thiệu chuyên gia tham gia Hội đồng
thẩm định sản phẩm quảng cáo khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có
thẩm quyền;
đ) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động
quảng cáo; tư vấn, cung cấp thông tin, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quảng cáo và
đạo đức nghề nghiệp;
e) Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh nhằm phát triển thị trường
quảng cáo và nâng cao chất lượng sản phẩm quảng cáo;
g) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, phổ
biến pháp luật về quảng cáo, xây dựng niềm tin của người tiêu dùng;
h) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo
1. Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các
quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm
mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo
quy định của pháp luật.
2. Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các
quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm
mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm
hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo phải chịu
trách nhiệm về quyết định xử lý của mình; trường hợp quyết định sai, gây thiệt
hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
4. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử
phạt vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo.
Chương II. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO
Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo
1. Người quảng cáo có các quyền sau:
a) Quảng cáo về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch
vụ của mình;
b) Quyết định hình thức và phương thức quảng cáo;
c) Được cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương
thông tin về quy hoạch quảng cáo ngoài trời đã phê duyệt;
d) Yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.
2. Người quảng cáo có các nghĩa vụ sau:
a) Cung cấp cho người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc
người phát hành quảng cáo thông tin cần thiết, trung thực, chính xác về cơ
quan, tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, các tài liệu liên quan đến
điều kiện quảng cáo và chịu trách nhiệm về các thông tin đó;
b) Bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với
nội dung quảng cáo;
c) Chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của mình trong
trường hợp trực tiếp thực hiện quảng cáo trên các phương tiện; liên đới chịu
trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện;
d) Cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo khi
người tiếp nhận quảng cáo hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
3. Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp
luật.
Điều 13. Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh dịch vụ
quảng cáo
1. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có các quyền sau:
a) Quyết định hình thức và phương thức kinh doanh dịch vụ
quảng cáo;
1. https://docluat.vn/archive/3309/
2. https://docluat.vn/archive/1797/
3. https://docluat.vn/archive/1903/
b) Được người quảng cáo cung cấp thông tin trung thực, chính
xác về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và các tài
liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo;
c) Tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng quy hoạch quảng
cáo của địa phương và được cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương
thông tin về quy hoạch quảng cáo ngoài trời;
d) Yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.
2. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có các nghĩa vụ sau:
a) Hoạt động theo đúng phạm vi, lĩnh vực đã được quy định
trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và tuân thủ quy định của pháp luật về
quảng cáo;
b) Kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo
của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo và thực hiện
thủ tục có liên quan theo hợp đồng dịch vụ quảng cáo;
c) Chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo do mình trực tiếp
thực hiện;
d) Cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo khi
người tiếp nhận quảng cáo hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
3. Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp
luật.
Điều 14. Quyền và nghĩa vụ của người phát hành quảng cáo
1. Được quảng cáo trên phương tiện của mình và thu phí dịch
vụ theo quy định của pháp luật.
2. Kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo
của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo.
3. Cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo khi
người tiếp nhận quảng cáo hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
4. Thực hiện hợp đồng phát hành quảng cáo đã ký kết và chịu
trách nhiệm trực tiếp về sản phẩm quảng cáo thực hiện trên phương tiện quảng
cáo thuộc trách nhiệm quản lý của mình.
5. Yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.
6. Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp
luật.
Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của người cho thuê địa điểm,
phương tiện quảng cáo
1. Lựa chọn người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng
cáo.
2. Chịu trách nhiệm về căn cứ pháp lý của việc cho thuê địa
điểm quảng cáo, phương tiện quảng cáo và an toàn của phương tiện quảng cáo;
thực hiện đúng các nghĩa vụ trong hợp đồng cho thuê địa điểm, phương tiện quảng
cáo đã ký kết.
3. Liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp lắp, dựng công
trình quảng cáo không đúng với giấy phép xây dựng hoặc chưa được cấp giấy phép
xây dựng.
4. Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp
luật.
Điều 16. Quyền và nghĩa vụ của người tiếp nhận quảng cáo
1. Được thông tin trung thực về chất lượng, tính năng, tác
dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
2. Được từ chối tiếp nhận quảng cáo.
3. Được yêu cầu người quảng cáo hoặc người phát hành quảng
cáo bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội
dung khác mà tổ chức, cá nhân đã quảng cáo.
4. Được tố cáo, khởi kiện dân sự theo quy định của pháp
luật.
5. Khi tố cáo hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại, phải cung
cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo với cơ
quan quản lý nhà nước và chứng cứ chứng minh thiệt hại mà quảng cáo gây ra;
được quyền yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng
cáo hoặc người quảng cáo cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo.
Chương III. HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO
Mục 1. PHƯƠNG TIỆN QUẢNG CÁO; YÊU CẦU VỀ NỘI DUNG, ĐIỀU KIỆN QUẢNG CÁO
Điều 17. Phương tiện quảng cáo
1. Báo chí.
2. Trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu
cuối và các thiết bị viễn thông khác.
3. Các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị
công nghệ khác.
4. Bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình
chuyên quảng cáo.
5. Phương tiện giao thông.
6. Hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm,
chương trình văn hoá, thể thao.
7. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; vật thể quảng cáo.
8. Các phương tiện quảng cáo khác theo quy định của pháp
luật.
Điều 18. Tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo
1. Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện
bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:
a) Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng
bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế
bằng tiếng Việt;
b) Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được
phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương
trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước
ngoài.
2. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài
trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần
tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài
phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng
Việt trước tiếng nước ngoài.
Điều 19. Yêu cầu đối với nội dung quảng cáo
1. Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ
ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận
quảng cáo.
2. Chính phủ quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo
các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.
Điều 20. Điều kiện quảng cáo
1. Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải
có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải
có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa,
dịch vụ theo quy định của pháp luật.
3. Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải
có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận
quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.
4. Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải
đảm bảo các điều kiện sau đây:
a) Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của
pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn
hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt;
b) Quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm
theo quy định của pháp luật về y tế;
c) Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn
dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành
do Bộ Y tế cấp;
d) Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ
không thuộc quy định tại khoản 4 Điều 7 của Luật này phải có giấy chứng nhận
tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh
dưỡng sản xuất trong nước; đối với sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu thì phải có
giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất
và giấy phép lưu hành;
đ) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng
nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm
thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp
nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực
phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn;
e) Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy chứng
nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp theo quy định của pháp luật;
g) Quảng cáo trang thiết bị y tế phải có giấy phép lưu hành
đối với thiết bị y tế sản xuất trong nước hoặc giấy phép nhập khẩu đối với
thiết bị y tế nhập khẩu;
h) Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ
thực vật, vật tư bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ
thực vật. Quảng cáo sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật phải có giấy
phép kiểm dịch thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp;
i) Quảng cáo thuốc thú y, vật tư thú y phải có giấy phép lưu
hành sản phẩm và bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm;
k) Quảng cáo phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt,
thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi phải có giấy chứng nhận chất
lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm.
5. Chính phủ quy định điều kiện quảng cáo đối với sản phẩm,
hàng hóa, dịch vụ đặc biệt khác khi có phát sinh trên thực tế.
Mục 2. QUẢNG CÁO TRÊN BÁO CHÍ, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ, THIẾT BỊ ĐẦU CUỐI VÀ CÁC
THIẾT BỊ VIỄN THÔNG KHÁC
Điều 21. Quảng cáo trên báo in
1. Diện tích quảng cáo không được vượt quá 15% tổng diện
tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp
chí chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung
khác.
2. Cơ quan báo chí được phép ra phụ trương quảng cáo và phải
thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trước ít nhất 30
ngày tính đến ngày phát hành đầu tiên của phụ trương quảng cáo.
3. Phụ trương quảng cáo của báo phải đánh số riêng; có cùng
khuôn khổ, phát hành kèm theo số trang báo chính.
4. Trên trang một của phụ trương quảng cáo phải ghi rõ các
thông tin sau:
a) Tên tờ báo;
b) Tên, địa chỉ của cơ quan báo chí;
c) Dòng chữ “Phụ trương quảng cáo không tính vào giá bán”.
5. Không được quảng cáo trên bìa một của tạp chí, trang nhất
của báo.
Điều 22. Quảng cáo trên báo nói, báo hình
1. Thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không được
vượt quá
10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một
tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên
quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác.
2. Thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không
vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức
phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo.
3. Không được phát sóng quảng cáo trong các chương trình
sau:
a) Chương trình thời sự;
b) Chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự
kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.
4. Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo
quá hai lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí
không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút.
5. Khi thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông
tin chính bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động thì sản
phẩm quảng cáo phải được thể hiện sát phía dưới màn hình, không quá 10% chiều
cao màn hình và không được làm ảnh hưởng tới nội dung chính trong chương trình.
Quảng cáo bằng hình thức này không tính vào thời lượng quảng cáo của báo hình.
6. Cơ quan báo nói, báo hình có nhu cầu ra kênh, chương
trình chuyên quảng cáo phải có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về báo
chí. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép ra kênh, chương trình chuyên
quảng cáo;
b) Ý kiến của cơ quan chủ quản;
c) Bản sao có chứng thực giấy phép hoạt động báo chí.
7. Trong trường hợp cơ quan báo chí có nhu cầu thay đổi nội
dung giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo phải gửi hồ sơ đề nghị
sửa đổi, bổ sung giấy phép đến cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Hồ sơ đề
nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép gồm:
a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép;
b) Bản sao có chứng thực giấy phép đang có hiệu lực.
8. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép được thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ,
cơ quan quản lý nhà nước về báo chí xem xét cấp giấy phép ra kênh, chương trình
chuyên quảng cáo cho cơ quan báo chí; trường hợp không cấp giấy phép, phải có
văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ,
cơ quan quản lý nhà nước về báo chí xem xét, cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung cho
cơ quan báo chí; trường hợp không cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung phải có văn
bản trả lời và nêu rõ lý do;
c) Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày cấp giấy phép ra kênh,
chương trình chuyên quảng cáo hoặc cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung; cơ quan cấp
giấy phép phải gửi bản sao giấy phép đã cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về
quảng cáo và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi
chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi cơ quan báo chí đặt trụ sở chính để phối
hợp trong công tác quản lý.
Điều 23. Quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện
tử
1. Quảng cáo trên báo điện tử phải tuân theo các quy định
sau:
a) Không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần
nội dung tin;
b) Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết
kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở
quảng cáo tối đa là 1,5 giây.
2. Quảng cáo trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà
nước thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá
nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới có phát sinh doanh
thu quảng cáo tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của Luật này và các quy
định khác của pháp luật có liên quan.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này.
Điều 24. Quảng cáo trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu
cuối và các thiết bị viễn thông khác
1. Quảng cáo bằng hình thức gửi tin nhắn, thư điện tử quảng
cáo:
a) Tổ chức, cá nhân chỉ được phép gửi tin nhắn và thư điện
tử quảng cáo khi có sự đồng ý trước của người nhận;
b) Nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông chỉ
được phép gửi tin nhắn, thư điện tử có nội dung quảng cáo về các dịch vụ của
mình; chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo đến điện thoại trong khoảng thời gian từ
07 giờ đến 22 giờ; không được gửi quá ba tin nhắn quảng cáo đến một số điện
thoại, quá ba thư điện tử đến một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ, trừ
trường hợp có thỏa thuận khác với người nhận;
c) Tổ chức, cá nhân quảng cáo phải bảo đảm cho người nhận có
khả năng từ chối quảng cáo; phải chấm dứt ngay việc gửi tin nhắn, thư điện tử
quảng cáo nếu người nhận thông báo từ chối quảng cáo và không được thu phí dịch
vụ đối với thông báo từ chối của người nhận.
2. Quảng cáo bằng các hình thức khác trên phương tiện điện
tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác phải tuân theo các quy
định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Mục 3. QUẢNG CÁO TRÊN CÁC SẢN PHẨM IN, BẢN GHI ÂM, GHI HÌNH VÀ CÁC THIẾT BỊ CÔNG NGHỆ
KHÁC
Điều 25. Quảng cáo trên các sản phẩm in
1. Đối với các loại sách và tài liệu dưới dạng sách, chỉ
được quảng cáo về tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản trên bìa hai, ba và bốn, trừ
sách chuyên về quảng cáo.
2. Đối với tài liệu không kinh doanh, chỉ được quảng cáo về
tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản hoặc biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa, sản
phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của tổ chức, cá nhân được phép xuất bản
tài liệu đó.
3. Đối với tranh, ảnh, áp-phích, ca-ta-lô, tờ rời, tờ gấp có
nội dung cổ động, tuyên truyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa
học, công nghệ, văn học, nghệ thuật, được quảng cáo không quá 20% diện tích
từng sản phẩm.
Biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo
phải đặt ở phía dưới cùng của sản phẩm in.
4. Không được quảng cáo trên các sản phẩm in là tiền hoặc
giấy tờ có giá, văn bằng chứng chỉ và văn bản quản lý nhà nước.
1. https://docluat.vn/archive/3406/
2. https://docluat.vn/archive/2958/
3. https://docluat.vn/archive/3201/
5. Quảng cáo trên tranh, ảnh, áp-phích, ca-ta-lô, tờ rời, tờ
gấp và các sản phẩm in không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4
Điều này phải ghi rõ tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo
hoặc người quảng cáo, số lượng in, nơi in.
Điều 26. Quảng cáo trong bản ghi âm, ghi hình
Thời lượng quảng cáo trong bản ghi âm, ghi hình chương trình
văn hoá, nghệ thuật, điện ảnh, bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc
minh họa cho sách không được vượt quá 5% tổng thời lượng nội dung chương trình.
Mục 4. QUẢNG CÁO TRÊN BẢNG QUẢNG CÁO, BĂNG-RÔN, BIỂN HIỆU, HỘP ĐÈN, MÀN HÌNH CHUYÊN QUẢNG CÁO VÀ PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG
Điều 27. Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn
1. Việc đặt bảng quảng cáo, băng-rôn phải tuân thủ quy định
về khu vực bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa; hành lang an toàn giao thông, đê
điều, lưới điện quốc gia; không được che khuất đèn tín hiệu giao thông, bảng
chỉ dẫn công cộng; không được chăng ngang qua đường giao thông và phải tuân thủ
quy hoạch quảng cáo của địa phương và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm
quyền ban hành.
2. Các sản phẩm quảng cáo thể hiện trên bảng quảng cáo,
băng-rôn phải ghi rõ tên, địa chỉ của người thực hiện.
3. Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn có nội dung tuyên
truyền, cổ động chính trị, chính sách xã hội phải tuân theo những quy định sau:
a) Biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo
phải đặt ở phía dưới cùng đối với bảng quảng cáo, băng-rôn dọc và phía bên phải
đối với băng-rôn ngang;
b) Diện tích thể hiện của biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng
hóa của người quảng cáo không quá 20% diện tích bảng quảng cáo, băng-rôn.
4. Thời hạn treo băng-rôn không quá 15 ngày.
Điều 28. Quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo
1. Việc đặt màn hình chuyên quảng cáo phải tuân theo quy
định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và quy hoạch quảng
cáo ngoài trời của địa phương.
2. Khi thực hiện quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo
đặt ngoài trời không được dùng âm thanh.
3. Quảng cáo trên màn hình không thuộc quy định tại khoản 2
Điều này được sử dụng âm thanh theo quy định của pháp luật về môi trường.
Điều 29. Hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng
cáo, băng-rôn
1. Văn bản thông báo sản phẩm quảng cáo ghi rõ nội dung,
thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn.
2. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của người kinh
doanh dịch vụ quảng cáo hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của người quảng
cáo trong trường hợp tự thực hiện quảng cáo.
3. Bản sao giấy tờ chứng minh sự hợp chuẩn, hợp quy của sản
phẩm, hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc giấy tờ chứng minh đủ
điều kiện để quảng cáo theo quy định tại Điều 20 của Luật này.
4. Bản sao văn bản về việc tổ chức sự kiện của đơn vị tổ
chức trong trường hợp quảng cáo cho sự kiện, chính sách xã hội.
5. Ma-két sản phẩm quảng cáo in mầu có chữ ký của người kinh
doanh dịch vụ quảng cáo hoặc chữ ký của người quảng cáo trong trường hợp tự
thực hiện quảng cáo. Trong trường hợp người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người
quảng cáo là tổ chức thì phải có dấu của tổ chức.
6. Văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bảng
quảng cáo; quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm quảng cáo đối với băng-rôn.
7. Bản phối cảnh vị trí đặt bảng quảng cáo.
8. Bản sao giấy phép xây dựng công trình quảng cáo đối với
loại bảng quảng cáo phải có giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều
31 của Luật này.
Điều 30. Trình tự thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng
quảng cáo, băng-rôn
1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên bảng
quảng cáo, băng-rôn phải gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan có
thẩm quyền về quảng cáo của địa phương trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có
thẩm quyền về quảng cáo của địa phương xác nhận về việc nhận hồ sơ, nếu không
có ý kiến trả lời thì tổ chức, cá nhân được thực hiện sản phẩm quảng cáo đã
thông báo. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương
không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 31. Cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo
1. Việc xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời, biển
hiệu, bảng quảng cáo độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có trước phải
tuân theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và
quy hoạch quảng cáo ngoài trời của địa phương.
2. Việc xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời, biển
hiệu, bảng quảng cáo độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin
giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương trong
những trường hợp sau đây:
a) Xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện
tích một mặt từ 20 mét vuông (m2) trở lên;
b) Xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt
trên 20 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự
gắn vào công trình xây dựng có sẵn;
c) Bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40
mét vuông (m2) trở lên.
3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo
gồm có:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo;
b) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức,
cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo;
c) Bản sao có chứng thực một trong những loại giấy tờ sau:
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; văn bản thoả thuận hoặc hợp đồng thuê đất
theo quy định của pháp luật về đất đai đối với công trình quảng cáo đứng độc
lập; hợp đồng thuê địa điểm giữa chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo với
chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng hợp pháp đối với công trình quảng cáo gắn với công
trình xây dựng có sẵn hoặc văn bản thông báo kết quả trúng thầu đối với trường
hợp địa điểm quảng cáo trong quy hoạch phải tổ chức đấu thầu;
d) Trường hợp công trình quảng cáo gắn với công trình đã có
trước phải có văn bản thoả thuận hoặc hợp đồng của chủ đầu tư xây dựng công
trình quảng cáo với chủ sở hữu hoặc người được giao quyền quản lý công trình đã
có trước;
đ) Bản vẽ thiết kế của tổ chức thiết kế hợp pháp thể hiện
được vị trí mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng điển hình; mặt bằng móng của công trình
có chữ ký và đóng dấu của chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo. Trường hợp
công trình quảng cáo gắn vào công trình đã có trước thì bản vẽ thiết kế phải
thể hiện được giải pháp liên kết công trình quảng cáo vào công trình đã có
trước.
4. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép xây dựng công trình quảng
cáo được thực hiện như sau:
a) Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng công
trình quảng cáo nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương;
b) Trường hợp địa điểm quảng cáo nằm trong quy hoạch quảng
cáo đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương cấp
giấy phép xây dựng công trình quảng cáo cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp không
cấp giấy phép, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
c) Trường hợp địa phương chưa phê duyệt quy hoạch quảng cáo,
trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm
quyền về xây dựng của địa phương gửi văn bản xin ý kiến các sở, ban, ngành liên
quan. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến
của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương, các sở, ban, ngành nêu
trên phải có ý kiến trả lời bằng văn bản gửi cho cơ quan có thẩm quyền về xây
dựng của địa phương. Trong thời hạn 13 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến của
các sở, ban, ngành nêu trên, cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương
phải cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo cho tổ chức, cá nhân. Trường
hợp không cấp giấy phép, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 32. Quảng cáo trên phương tiện giao thông
1. Việc quảng cáo trên phương tiện giao thông phải tuân thủ
các quy định của Luật này và pháp luật về giao thông.
2. Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt
sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không được vượt
quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. Việc
thể hiện biểu trưng, lô-gô, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng
xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao
thông.
Điều 33. Quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương
tự
1. Quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương tự tại
địa điểm cố định phải tuân thủ quy định sau:
a) Quảng cáo không được vượt quá độ ồn cho phép theo quy
định của pháp luật về môi trường;
b) Không được quảng cáo tại trụ sở cơ quan, đơn vị lực lượng
vũ trang, trường học, bệnh viện;
c) Không được quảng cáo trên hệ thống truyền thanh phục vụ
nhiệm vụ chính trị của xã, phường, thị trấn.
2. Không được quảng cáo bằng loa phóng thanh gắn với phương
tiện giao thông và các phương tiện di động khác tại nội thành, nội thị của
thành phố, thị xã.
Điều 34. Biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất,
kinh doanh
1. Biển hiệu phải có các nội dung sau:
a) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
b) Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh;
c) Địa chỉ, điện thoại.
2. Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy
định tại Điều 18 của Luật này.
3. Kích thước biển hiệu được quy định như sau:
a) Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét
(m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;
b) Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét
(m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà
nơi đặt biển hiệu.
4. Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu
hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
5. Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật
này và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Mục 5. QUẢNG CÁO TRONG CHƯƠNG TRÌNH VĂN HOÁ, THỂ THAO, HỘI NGHỊ, HỘI THẢO, HỘI
CHỢ, TRIỂN LÃM, TỔ CHỨC SỰ KIỆN, ĐOÀN NGƯỜI THỰC HIỆN QUẢNG CÁO, VẬT THỂ QUẢNG
CÁO
Điều 35. Quảng cáo trong chương trình văn hoá, thể thao
1. Quảng cáo trong chương trình văn hóa, thể thao phải thực
hiện theo pháp luật về nghệ thuật biểu diễn và thể dục, thể thao.
2. Không được treo, đặt, dán, dựng sản phẩm quảng cáo ngang
bằng hoặc cao hơn biểu trưng, lô-gô hoặc tên của chương trình; khổ chữ thể hiện
trên sản phẩm quảng cáo không quá một phần hai khổ chữ tên của chương trình.
3. Quảng cáo trên khu vực sân khấu phải đảm bảo mỹ quan và
không được che khuất tầm nhìn của người xem.
4. Quảng cáo trong sân vận động, nhà thi đấu và các địa điểm
diễn ra hoạt động thể dục thể thao không được che khuất Quốc kỳ, Quốc huy, ảnh
lãnh tụ, bảng hướng dẫn chuyên môn và tầm nhìn của khán giả; không làm ảnh
hưởng đến hoạt động tập luyện, thi đấu, biểu diễn của vận động viên, việc chỉ
đạo của huấn luyện viên và việc thực hiện nhiệm vụ của ban tổ chức, trọng tài,
nhân viên hướng dẫn, y tế, người phục vụ.
Điều 36. Đoàn người thực hiện quảng cáo, hội thảo, hội nghị,
hội chợ, triển lãm, tổ chức sự kiện, vật thể quảng cáo
1. Đoàn người thực hiện quảng cáo phải tuân theo các quy
định sau:
a) Đoàn người thực hiện quảng cáo là đoàn người có từ ba
người trở lên mặc trang phục hoặc mang theo hình ảnh, vật dụng thể hiện sản
phẩm quảng cáo tại một địa điểm hoặc di chuyển trên đường giao thông;
b) Đoàn người thực hiện quảng cáo phải bảo đảm trật tự an
toàn giao thông, an toàn xã hội; tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động
quảng cáo và quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Tổ chức, cá nhân tổ chức đoàn người thực hiện quảng cáo
phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương về nội
dung, hình thức sản phẩm quảng cáo, số lượng người tham gia đoàn người thực
hiện quảng cáo, thời gian và lộ trình thực hiện chậm nhất là 15 ngày trước ngày
thực hiện quảng cáo.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu
cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương không đồng ý với thông báo
thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Quá thời hạn trên mà không có
văn bản trả lời thì tổ chức, cá nhân được thực hiện quảng cáo theo nội dung đã
thông báo.
2. Hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, người
chuyển tải sản phẩm quảng cáo, vật thể quảng cáo và phương tiện quảng cáo khác
phải tuân thủ các quy định tại Luật này và các quy định khác của pháp luật có
liên quan, bảo đảm mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường, trật tự an toàn giao
thông, trật tự an toàn xã hội.
Mục 6. QUY HOẠCH QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI
Điều 37. Nội dung và nguyên tắc quy hoạch quảng cáo ngoài
trời
1. Quy hoạch quảng cáo ngoài trời phải xác định địa điểm,
kiểu dáng, kích thước, chất liệu, số lượng các phương tiện quảng cáo trên đường
quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ; trong nội thành, nội thị.
2. Việc xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời phải tuân
thủ các nguyên tắc cơ bản sau đây:
a) Phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo, xây
dựng, giao thông và quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Phù hợp với quy hoạch xây dựng của địa phương, bảo đảm mỹ
quan đô thị, an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội;
c) Bảo đảm tính ổn định, công khai, minh bạch và khả thi;
d) Bảo đảm sự thống nhất, hài hòa giữa các địa phương tại
các điểm tiếp giáp trên trục đường quốc lộ, tỉnh lộ;
đ) Ưu tiên kế thừa các vị trí quảng cáo phù hợp với quy
hoạch đã có trước; trong trường hợp thực hiện hoặc điều chỉnh quy hoạch gây
thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì cơ quan phê duyệt quy hoạch có trách nhiệm
tổ chức đền bù theo quy định của pháp luật;
e) Lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng
cáo và nhân dân.
3. Chính phủ quy định cụ thể về hồ sơ, quy trình xây dựng,
phê duyệt, thực hiện và điều chỉnh quy hoạch quảng cáo.
Điều 38. Trách nhiệm xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch
quảng cáo ngoài trời
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Xây dựng và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại
địa phương trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Luật này có hiệu lực;
b) Điều chỉnh quy hoạch quảng cáo theo các giai đoạn phù hợp
với sự phát triển của địa phương;
c) Niêm yết văn bản quy hoạch và bản vẽ chi tiết quy hoạch
tại trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp và công bố trên các phương tiện thông tin
đại chúng của địa phương;
d) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch
quảng cáo ngoài trời.
2. Bộ Xây dựng có trách nhiệm:
a) Ban hành quy chuẩn kỹ thuật về phương tiện quảng cáo
ngoài trời trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Luật này có hiệu lực;
b) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao
thông vận tải và các Bộ có liên quan hướng dẫn các địa phương quy hoạch quảng
cáo theo quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành.
Chương IV. QUẢNG CÁO CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Điều 39. Quảng cáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt
Nam
1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được
quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của mình tại Việt Nam
theo quy định của Luật này.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam
có nhu cầu quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của mình tại
Việt Nam phải thuê người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam thực hiện.
Điều 40. Hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong hoạt động
quảng cáo
1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được hợp tác, đầu tư với
người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam theo hình thức liên doanh và
hợp đồng hợp tác kinh doanh.
2. Việc hợp tác, đầu tư nước ngoài trong hoạt động quảng cáo
phải tuân theo các quy định pháp luật về đầu tư.
Điều 41. Văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước
ngoài tại Việt Nam
1. Doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài được phép thành lập văn
phòng đại diện tại Việt Nam.
2. Văn phòng đại diện được hoạt động khi có giấy phép của Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp nước ngoài đề nghị thành lập văn phòng
đại diện.
3. Văn phòng đại diện chỉ được xúc tiến quảng cáo, không
được trực tiếp kinh doanh dịch vụ quảng cáo.
4. Chính phủ quy định thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục
cấp phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại
Việt Nam.
Chương V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 42. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Pháp lệnh quảng cáo số 39/2001/PL-UBTVQH10 ngày 16 tháng 11
năm 2001 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Điều 43. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng
dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật.
Luật
này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII,
kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012./.
TƯ VẤN & DỊCH VỤ |